Tôi muốn hỏi Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra” là gì? Đối tượng nào được xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra”? - Thúy Nga (Bình Định)
Đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra” (Hình từ Internet)
1. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra” là gì?
Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2017/TT-TTCP, kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra” là hình thức khen thưởng của Thanh tra Chính phủ cho cá nhân có thành tích đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Thanh tra Việt Nam.
Cụ thể, kỷ niệm chương có biểu tượng, hình dáng, kích cỡ, màu sắc thể hiện đặc trưng của ngành Thanh tra Việt Nam, phù hợp với quy định chung của Nhà nước, kèm theo Kỷ niệm chương là Bằng chứng nhận tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra”.
(Khoản 2 Điều 2 Thông tư 01/2017/TT-TTCP)
2. Đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra”
Cụ thể tại Điều 4 Thông tư 01/2017/TT-TTCP, các đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra” bao gồm:
(1) Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, người lao động đã và đang công tác trong các cơ quan Thanh tra Nhà nước, gồm:
- Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ;
- Công chức, viên chức, người lao động công tác tại Thanh tra Chính phủ;
- Công chức, viên chức, người lao động công tác tại các tổ chức Thanh tra Nhà nước thuộc bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi chung là Thanh tra bộ), gồm:
+ Công chức, viên chức, người lao động công tác tại Thanh tra bộ;
+ Công chức, viên chức, người lao động công tác tại các cơ quan Thanh tra Nhà nước thuộc tổng cục, cục và tương đương theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra;
+ Sỹ quan, hạ sỹ quan, người lao động công tác tại các cơ quan Thanh tra Nhà nước theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Quốc phòng, Thanh tra Công an.
- Công chức, viên chức, người lao động công tác tại Thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra tỉnh);
- Công chức, viên chức, người lao động công tác tại Thanh tra sở và tương đương (sau đây gọi chung là Thanh tra sở);
- Công chức, viên chức, người lao động công tác tại Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra huyện).
(2) Cá nhân có thành tích trong việc lãnh đạo, chỉ đạo góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Thanh tra Việt Nam, gồm:
- Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các đoàn thể chính trị, xã hội ở trung ương;
- Lãnh đạo bộ, cơ quan ngang bộ;
- Bí thư, Phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, lãnh đạo các đoàn thể chính trị xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Bí thư, Phó bí thư huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thành phố thuộc tỉnh; Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
- Giám đốc, Phó giám đốc sở và tương đương.
(3) Cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Thanh tra Việt Nam.
(4) Các trường hợp khác theo đề nghị của các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ và Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra.
3. Đối tượng không hoặc chưa được xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra”
Các đối tượng không hoặc chưa được xét tặng Kỷ niệm chương bao gồm:
- Không xét tặng Kỷ niệm chương đối với các cá nhân đã bị buộc thôi việc hoặc bị tước quân tịch, tước danh hiệu Công an nhân dân, Quân đội nhân dân.
- Chưa xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân đang trong thời gian xem xét kỷ luật; người đang chịu hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên; người đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc bị kết án, đang chấp hành bản án hình sự.
Thời gian thi hành kỷ luật, thời gian chấp hành bản án hình sự, bao gồm cả thời gian chưa được xóa kỷ luật hoặc xóa án tích không được tính vào thời gian để xét tặng Kỷ niệm chương.
(Điều 5 Thông tư 01/2017/TT-TTCP)
Thanh Rin