Đại biểu HĐND là ai? Và tiêu chuẩn của đại biểu HĐND được quy định như thế nào? - Ngọc Hương (Tiền Giang)
Đại biểu HĐND là ai? Tiêu chuẩn của đại biểu HĐND (Hình từ Internet)
1. Đại biểu HĐND là ai?
Theo khoản 2 Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 thì đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước HĐND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.
Đại biểu HĐND bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND.
2. Tiêu chuẩn của đại biểu HĐND
Tiêu chuẩn của đại biểu HĐND theo Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi 2019) như sau:
- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND.
- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
3. Quyền chất vấn của đại biểu HĐND
Quyền chất vấn của đại biểu HĐND theo Điều 96 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 như sau:
- Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời về những vấn đề mà đại biểu HĐND chất vấn.
- Trong thời gian HĐND họp, đại biểu HĐND gửi chất vấn đến Thường trực HĐND cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời trước HĐND tại kỳ họp đó.
Trong trường hợp cần điều tra, xác minh thì HĐND có thể quyết định cho trả lời tại kỳ họp sau của HĐND hoặc cho trả lời bằng văn bản gửi đến đại biểu đã chất vấn và Thường trực HĐND.
- Trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND, chất vấn của đại biểu HĐND được gửi đến Thường trực HĐND cùng cấp để chuyển đến người bị chất vấn và quyết định thời hạn trả lời chất vấn.
4. Quyền kiến nghị của đại biểu HĐND
Quyền kiến nghị của đại biểu HĐND theo Điều 97 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi 2019) như sau:
(1) Đại biểu HĐND có quyền kiến nghị HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, tổ chức phiên họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, phiên họp gửi của HĐND và kiến nghị về những vấn đề khác mà đại biểu thấy cần thiết.
(2) Kiến nghị của đại biểu HĐND được gửi bằng văn bản đến Thường trực HĐND, trong đó nêu rõ lý do, nội dung kiến nghị.
Thường trực HĐND có trách nhiệm tổng hợp, xử lý các kiến nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân theo thẩm quyền và báo cáo HĐND trong các trường hợp quy định tại (3) mục này hoặc trong trường hợp khác mà Thường trực HĐND xét thấy cần thiết.
(3) Trường hợp có từ một phần ba tổng số đại biểu HĐND trở lên kiến nghị HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với một người giữ chức vụ do HĐND bầu, kiến nghị HĐND họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất hoặc họp kín thì Thường trực HĐND báo cáo để HĐND xem xét, quyết định.
(4) Số lượng kiến nghị cần thiết quy định tại (3) mục này là tổng số kiến nghị mà Thường trực HĐND tiếp nhận được trong khoảng thời gian từ ngày khai mạc kỳ họp này đến trước ngày khai mạc kỳ họp tiếp theo hoặc đến trước ngày tiến hành phiên họp HĐND về nội dung có liên quan trong trường hợp đại biểu Hội đồng nhân dân kiến nghị HĐND tổ chức phiên họp kín.
(5) Đại biểu HĐND có quyền kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp cần thiết để thực hiện Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Quốc Đạt
- Từ khóa:
- đại biểu HĐND