Có được quay phim, ghi hình lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ không?

Hiện nay, nhiều người dân thường xuyên quay phim, chụp hình các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Điều này có phù hợp với quy định về quyền giám sát của công dân hay không? Và công dân cần thực hiện quyền này như thế nào để đúng luật? Bài viết dưới đây sẽ giúp làm rõ vấn đề này.

Theo Hiến pháp 2013 quy định, công dân có quyền giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động của các bộ, cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thi hành công vụ. Trên tinh thần của Hiến pháp, công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, đối với việc giám sát lực lượng chức năng bằng thiết bị ghi hình cần gắn vào từng hoàn cảnh cụ thể, đối tượng cụ thể để xác định có được phép hay không.

quay phim, ghi hình lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ

Có được quay phim, ghi hình lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ không? (Ảnh minh họa)

Cụ thể, theo Quyết định 160/2004/QĐ-TTg, cấm chụp ảnh tại những địa điểm, khu vực chính quyền, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cắm biển “khu vực cấm”, “địa điểm cấm”. Những địa điểm này là nơi đặt các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, vùng biển; các khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; khu quân sự, doanh trại quân đội nhân dân, công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân; kho dự trữ chiến lược quốc gia; các công trình mục tiêu đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội; khu vực biên giới, trừ các thị xã, thị trấn và các điểm du lịch được Chính phủ cho phép.

Bên cạnh đó, khi công dân tới công tác, làm việc tại trụ sở các cơ quan, tổ chức, việc chụp ảnh và ghi hình trong khuôn viên của đơn vị bắt buộc phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó. Bởi vì mỗi cơ quan nhà nước, tổ chức đều có quyền được bảo vệ an toàn về tài sản, hoạt động bình thường trong khuôn viên cơ quan, đơn vị.

Riêng đối với việc giám sát lực lượng công an giao thông đang làm nhiệm vụ, theo Thông tư 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, pháp luật cho phép người dân có quyền giám sát lực lượng Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, trong đó có quy định được thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình. Tuy nhiên, lưu ý rằng việc giám sát này phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của lực lượng cảnh sát giao thông thực thi nhiệm vụ; được thực hiện ngoài khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông và tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan. Khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để lực lượng cảnh sát giao thông thực thi nhiệm vụ.

Như vậy, người dân được thực hiện quyền giám sát việc thi hành nhiệm vụ của lực lượng chức năng, tuy nhiên hãy lưu ý chỉ ghi âm, ghi hình ở những địa điểm và với đối tượng được phép theo quy định của pháp luật.

Hoa Hồng

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]
2335 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: [email protected]
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;