Muộn giờ giới nghiêm, thăm họ hàng… là một những lý do khiến nhiều người phải ở lại nhà người thân hay bạn bè một đêm. Liệu rằng trong tình huống này có phải đăng ký tạm trú tại địa phương không?
Có cần phải đăng ký tạm trú khi ở lại nhà người khác một đêm không? (Ảnh minh họa)
1. Quy định của pháp luật về việc đăng ký tạm trú
Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Cư trú 2006: Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ.
Theo đó, ngoài nơi đăng ký thường trú thì công dân còn có nơi đăng ký tạm trú - được hiểu là nơi sinh sống tạm thời, có thời hạn đã được đăng ký tạm trú và cấp sổ tạm trú.
Người sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp đăng ký thường trú thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.
Như vậy, nếu không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú mà sinh sống, làm việc, lao động, học tập ổn định tại một địa điểm trong một thời gian nhất định thì phải thực hiện đăng ký tạm trú trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi chuyển đến.
2. Ở lại nhà người khác một đêm không phải đăng ký tạm trú nhưng phải thông báo lưu trú
Căn cứ vào những quy định nêu trên, việc chỉ ở lại qua đêm thì chưa phải đăng ký tạm trú nhưng phải thông báo lưu trú.
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 30 Luật Cư trú 2006: lưu trú là việc công dân ở lại trong một khoảng thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú (gồm cả nơi thường trú và nơi tạm trú) của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú.
Theo đó, gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác có trách nhiệm thông báo lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn khi có người từ đủ 14 tuổi trở lên đến lưu trú qua điện thoại hoặc trực tiếp tại địa điểm tiếp nhận thông báo lưu trú. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23h, nếu người đến lưu trú sau 23h thì thông báo vào sáng ngày hôm sau.
Lưu ý: Trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú 01 lần.
Nếu không thông báo lưu trú, khi bị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, cá nhân, chủ hộ vi phạm có thể bị phạt từ 100.000 đồng - 300.000 đồng (theo điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Căn cứ pháp lý:
Ngọc Tài
- Từ khóa:
- Đăng ký tạm trú