Chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ

Cho tôi hỏi hiện nay chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ được quy định thế nào? - Thùy Linh (Bến Tre)

Chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ

Chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ (Hình từ Internet)

1. Trách nhiệm rà soát, phát hiện người có tài năng trong hoạt động công vụ

Trách nhiệm rà soát, phát hiện người có tài năng trong hoạt động công vụ theo Điều 69 Nghị định 138/2020/NĐ-CP như sau:

- Trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng công chức:

+ Hàng năm, tiến hành rà soát, phát hiện người có tài năng trong hoạt động công vụ trong phạm vi cơ quan, tổ chức mình quản lý;

+ Đề xuất cấp có thẩm quyền đưa vào hoặc đưa ra khỏi danh sách người có tài năng trong hoạt động công vụ;

+ Chịu trách nhiệm về việc đề xuất hoặc không đề xuất của mình.

- Trách nhiệm người đứng đầu cơ quan quản lý công chức:

+ Lập danh sách người có tài năng trong hoạt động công vụ trong phạm vi cơ quan, tổ chức quản lý (nếu có);

+ Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo việc thường xuyên rà soát, phát hiện người có tài năng trong hoạt động công vụ;

+ Quyết định đưa vào hoặc đưa ra khỏi danh sách người có tài năng trong hoạt động công vụ sau khi trao đổi ý kiến với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Khi đưa vào danh sách người có tài năng trong hoạt động công vụ phải chú trọng tới yếu tố phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức, bảo vệ chính trị nội bộ.

2. Chính sách chung đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ

Chính sách chung đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ theo Điều 70 Nghị định 138/2020/NĐ-CP như sau:

- Chính sách về đào tạo, bồi dưỡng:

+ Được cử tham gia các chương trình bồi dưỡng kiến thức cơ bản, tổng quan của ngành, nghề, lĩnh vực công tác phù hợp với định hướng phát triển;

+ Được cử tham gia các khóa đào tạo tập trung trong nước, quốc tế đối với các chương trình phù hợp với ngành, nghề, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển;

+ Được cử tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng khác phù hợp với đặc thù ngành, lĩnh vực, địa phương do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định.

- Chính sách về môi trường làm việc, trang thiết bị làm việc:

+ Được tham dự và phát biểu ý kiến tại các cuộc họp có liên quan đến công tác chuyên môn của tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức đang công tác;

+ Được cấp có thẩm quyền phân công, bố trí người (hoặc một nhóm) hỗ trợ thực hiện công việc, nhiệm vụ cụ thể. Người (hoặc nhóm) được phân công có trách nhiệm thực hiện các công việc theo yêu cầu của người có tài năng trong hoạt động công vụ;

+ Được đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. 

Trường hợp cần thiết được đầu tư nguồn lực và các trang thiết bị đặc biệt để thực hiện các nội dung của chương trình, đề án, đề tài, công trình nghiên cứu khoa học đã được cấp có thẩm quyền đánh giá là khả thi, đề nghị áp dụng trong thực tiễn;

+ Được bố trí, sắp xếp nhân lực, vật lực phục vụ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ cụ thể, kể cả ngoài thời gian làm việc;

+ Được tạo điều kiện tiếp cận các văn bản để phục vụ hoạt động chuyên môn, nghiên cứu khoa học;

+ Được đề xuất dự toán kinh phí thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ cụ thể; được giao, quyết định việc sử dụng kinh phí; chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp có thẩm quyền việc sử dụng kinh phí được giao.

- Chính sách về quy hoạch, bổ nhiệm:

+ Được ưu tiên xem xét, lựa chọn quy hoạch, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực công tác;

+ Được ưu tiên tập trung bồi dưỡng theo hướng trở thành nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực phù hợp với chuyên môn công tác; được giao chủ trì các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học từ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên.

- Chính sách về tiền lương, chế độ phúc lợi và các chính sách khác: Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định việc áp dụng chính sách tiền lương, chế độ phúc lợi và các chính sách khác sau đây:

+ Chế độ phụ cấp tăng thêm so với mức lương theo hệ số hiện hưởng. Phụ cấp tăng thêm không dùng để tính đóng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế. 

Kinh phí tăng thêm được xác định trong dự toán kinh phí chi thường xuyên và được phân bổ cho các cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

+ Đặc cách nâng lương trước thời hạn hoặc đặc cách xét nâng ngạch công chức nếu có thành tích đặc biệt xuất sắc trong hoạt động công vụ hoặc được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 3 năm liên tiếp kể từ ngày có quyết định tuyển dụng, nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện của ngạch cao hơn liền kề trong cùng ngành chuyên môn với ngạch hiện giữ mà không yêu cầu về thời gian giữ ngạch theo quy định;

+ Được ưu tiên thuê nhà công vụ hoặc vay tiền mua nhà trả góp theo bảo lãnh của cơ quan, tổ chức từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi theo quy định của Chính phủ;

+ Được giữ nguyên chế độ, chính sách trong thời gian được cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Trường hợp địa điểm học tập không ở địa phương nơi công tác thì được hưởng các chế độ như đối với người được cử đi công tác.

- Căn cứ quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều 70 Nghị định 138/2020/NĐ-CP;

Quy định của pháp luật có liên quan và điều kiện thực tế của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu cơ quan theo thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi 2019) quyết định chính sách cụ thể áp dụng đối với từng trường hợp thuộc thẩm quyền quản lý.

Quốc Đạt

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
401 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;