Sắp tới, công dân sẽ được cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip theo đề xuất của Bộ Công an đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khi đổi sang sử dụng CCCD gắn chip này, công dân nên biết những điều sau đây.
- Chuyển từ CMND sang CCCD gắn chíp, thông tin trên Sổ hồng có phải sửa?
- Mới: Bộ Công an đề xuất mẫu thẻ Căn cước công dân gắn chip
- Những quy định quan trọng cần biết về độ tuổi bắt buộc phải đổi thẻ CCCD
CCCD gắn chip mới và những điều công dân nên biết (Ảnh minh họa)
1. Dự kiến việc cấp CCCD gắn chip sẽ được triển khai từ tháng 11/2020
Ngày 03/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1368/QĐ-TTg phê duyệt đề án cấp và quản lý thẻ CCCD gắn chip do Bộ Công an đề xuất. Trong báo cáo của Bộ Công an phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông tại văn bản số 854/BC-BCA-BTTTT, dự kiến khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, thẻ căn CCCD gắn chip điện tử này sẽ được triển khai từ tháng 11/2020. Theo đó, ngày 07/10/2020, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 8393/VPCP-NC về việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau:
- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu tích hợp các dịch vụ, ứng dụng thuộc lĩnh vực công tác, quản lý của bộ, ngành, địa phương mình vào chíp điện tử trên thẻ Căn cước công dân, thúc đẩy việc sử dụng thẻ Căn cước công dân đa mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.
- Các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai tích hợp ứng dụng, sử dụng thông tin trên thẻ Căn cước công dân trong các lĩnh vực công tác; xây dựng các ứng dụng nền tảng để đưa vào chíp trước khi cấp Căn cước công dân cho công dân.
Như vậy, rất có thể việc cấp thẻ CCCD gắn chip sẽ được triển khai từ tháng 11/2020.
2. Không bắt buộc đổi sang thẻ CCCD gắn chip
Một vấn đề có thể được nhiều người quan tâm chính là việc nếu thẻ CCCD gắn chip được áp dụng thì những giấy tờ tùy thân từ trước đến nay có giá trị tương tự được áp dụng như Chứng minh nhân dân 9 số; Chứng minh nhân dân 12 số và thẻ CCCD có mã vạch còn được sử dụng hay không?
Về vấn đề này, tại chuyên mục Hỏi – Đáp, Bộ Công an đã trả lời thắc mắc của công dân như sau:
Theo quy định của Luật CCCD và pháp luật hiện hành, công dân vẫn được sử dụng 03 loại thẻ (Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số và CCCD mã vạch) đến khi thẻ hết giá trị sử dụng.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong thực hiện các giao dịch, cải cách hành chính hướng tới thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Công an khuyến khích công dân thực hiện đổi sang sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử.
Cụ thể, tại Điều 38 Luật Căn cước công dân 2014 quy định:
Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
Các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019.
Như vậy, sắp tới sẽ có 4 loại giấy tờ tùy thân của công dân cùng song song tồn tại, bao gồm: Chứng minh nhân dân 9 số; Chứng minh nhân dân 12 số; thẻ CCCD có mã vạch và thẻ CCCD gắn chip. Công dân đang sử dụng Chứng minh nhân dân 9 số, 12 số và CCCD có mã vạch vẫn được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hạn. Tuy nhiên, Nhà nước khuyến khích công dân thực hiện đổi sang thẻ CCCD gắn chíp điện tử để tạo sự thuận tiện hơn trong việc quản lý và sử dụng.
3. Sử dụng thẻ CCCD gắn chip, công dân được lợi gì?
Theo công bố tại Quyết định 1368/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc cấp và quản lý CCCD gắn chip nhằm hướng đến việc:
- Xây dựng Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân thống nhất trên toàn quốc, thực hiện thu nhận và quản lý dữ liệu đăng ký Căn cước công dân tự động trên cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin giúp lưu trữ, truy xuất, chia sẻ, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất;
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về Căn cước công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự;
- Hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; góp phần phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Theo ý kiến của Thiếu tướng Tô Văn Huệ - Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), việc sử dụng thẻ CCCD gắn chip có nhiều ưu điểm hơn so với CCCD có mã vạch như hiện nay, cụ thể:
- CCCD gắn chip có độ bảo mật cao hơn và lưu trữ nhiều trường thông tin hơn. Thẻ chip cũng tích hợp được thông tin của các đơn vị khác như bảo hiểm, bằng lái xe hay thông tin số khác;
- Khi người dân chuyển từ thẻ mã vạch sang thẻ gắn chip điện tử thì chỉ cần thay thiết bị lưu trữ thông tin, còn số thẻ cơ bản được giữ nguyên nên không ảnh hưởng giao dịch;
- Thẻ CCCD mới có khả năng lưu trữ sinh trắc học, thông tin cá nhân, chữ ký số hay nhận dạng khác nên rất khó làm giả; Đồng thời, chip sử dụng trên thẻ căn cước công dân tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam. Chip có chữ ký số, khả năng lưu trữ sinh trắc học (vân tay), thông tin cá nhân để xác thực nên cũng sẽ rất khó làm giả;
- Thông tin về chủ thẻ CCCD gắn chip được định danh chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về việc giả mạo. Qua đó, căn cước công dân mới rất an toàn về bảo mật, đặc biệt trong các giao dịch tài chính;
- Ngoài ra, việc xác thực danh tính có thể thực hiện offline mà không cần đường truyền Internet.
Như vậy, có thể thấy từ việc tích hợp được lượng lớn thông tin của công dân mà thẻ CCCD gắn chíp sẽ giúp công dân thuận tiện hơn trong việc thực hiện các giao dịch cũng như thủ tục hành chính với độ tin cậy và chính xác cao hơn rất nhiều lần so với CCCD có mã vạch.
Thùy Trâm