Các trường hợp được khám người không cần lệnh

Khám người là biện pháp được áp dụng khi có lệnh hoặc quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền. Vậy khi nào người dân bị khám người không cần lệnh? - Thanh Nhân (Bình Phước)

Các trường hợp được khám người không cần lệnh

Các trường hợp được khám người không cần lệnh (Hình từ Internet)

1. Căn cứ thực hiện việc khám người 

1.1 Căn cứ khám người theo thủ tục hành chính

Căn cứ khoản 4 Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, khám người là một trong các biện pháp được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính.

Việc khám người theo thủ tục hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng người đó cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

(Khoản 1 Điều 127 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012)

1.2 Căn cứ khám người theo thủ tục tố tụng hình sự

Khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định việc khám xét người chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người đó có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.

Người tiến hành khám xét phải yêu cầu người bị khám xét đưa ra các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án, nếu họ từ chối hoặc đưa ra không đầy đủ các tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì tiến hành khám xét.

(Khoản 1 Điều 194 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)

2. Các trường hợp khám người không cần lệnh

2.1 Trường hợp khám người không cần lệnh theo thủ tục hành chính

Điều 127 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định việc khám người phải có quyết định bằng văn bản.

Tuy nhiên, trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính bị tẩu tán, tiêu hủy thì được phép khám người ngay mà không cần có quyết định bằng văn bản

Trong trường hợp này, ngoài những người được quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, chiến sĩ cảnh sát nhân dân, cảnh sát viên cảnh sát biển, chiến sĩ bộ đội biên phòng, kiểm lâm viên, công chức hải quan, kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ được khám người theo thủ tục hành chính.

* Lưu ý: Sau khi thực hiện khám người, những người nêu trên phải báo cáo ngay bằng văn bản cho thủ trưởng của mình là một trong những người được quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 nêu trên và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khám người.

2.2 Trường hợp khám người không cần lệnh theo thủ tục tố tụng hình sự

Căn cứ Điều 194 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì:

Khi bắt đầu khám xét người, người thi hành lệnh khám xét phải đọc lệnh và đưa cho người bị khám xét đọc lệnh khám xét đó; giải thích cho người bị khám xét và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ. 

Tuy nhiên, có thể tiến hành khám xét người mà không cần có lệnh trong những trường hợp sau như sau:

- Các trường hợp bắt người theo quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 gồm:

+ Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;

+ Bắt người phạm tội quả tang;

+ Bắt người đang bị truy nã;

+ Bắt bị can, bị cáo để tạm giam;

+ Bắt người bị yêu cầu dẫn độ.

- Trường hợp có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người vũ khí, hung khí, chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án.

Văn Trọng

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2798 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;