Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) 2020 sẽ có hiệu lực ngày 01/01/2021 với 8 nội dung đáng chú ý dưới đây.
- Từ 2021. việc lựa chọn NĐT dự án PPP được thực hiện theo quy trình nào?
- Luật PPP 2020: 12 nội dung cơ bản của hợp đồng dự án PPP
8 nội dung đáng chú ý tại Luật đầu tư theo phương thức PPP 2020 - Ảnh minh họa
1. Giới hạn lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP
Theo khoản 1 Điều 4 Luật PPP 2020, lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP được quy định cụ thể và giới hạn hơn so với hiện tại, bao gồm:
- Giao thông vận tải;
- Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực;
- Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải;
- Y tế; giáo dục - đào tạo;
- Hạ tầng công nghệ thông tin
Đối với các lĩnh vực như: văn hóa; thể thao; du lịch; khoa học và công nghệ, khí tượng thủy văn; dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;… sẽ không được tiếp tục đầu tư theo hình thức này.
2. Quy định cụ thể quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP
Khoản 2 Điều 4 Luật PPP 2020 đã ghi nhận cụ thể quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của từng dự án thuộc từng lĩnh vực như sau:
- Không thấp hơn 200 tỷ đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải; lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực; thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; hạ tầng công nghệ thông tin.
- Trường hợp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư thì không thấp hơn 100 tỷ đồng.
- Không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực y tế; giáo dục - đào tạo;
- Quy định về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu trên không áp dụng đối với dự án theo loại hợp đồng O&M.
3. VKSNDTC, TANDTC có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án PPP
Cụ thể, Điều 5 Luật PPP 2020 quy định về cơ quan có quyền ký kết hợp đồng dự án PPP gồm:
- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Cơ quan, tổ chức được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập và được giao dự toán ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Cơ quan, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền ủy quyền ký kết hợp đồng theo quy định.
Trường hợp dự án thuộc phạm vi quản lý của nhiều cơ quan có thẩm quyền hoặc trong trường hợp thay đổi cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan này báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định giao một cơ quan làm cơ quan có thẩm quyền.
4. Thay đổi cách phân loại dự án PPP
Cụ thể, theo Khoản 3 Điều 4 Luật PPP 2020, dự án PPP được phân loại theo thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư bao gồm:
- Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội;
- Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ;
- Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này;
- Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Hiện nay, dự án PPP được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C theo tiêu chí quy định tại pháp luật về đầu tư công.
5. Thay đổi quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP
Cụ thể, Điều 12 Luật PPP 2020 quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tương ứng với từng loại dự án PPP như sau:
- Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc một trong các tiêu chí sau đây:
+ Sử dụng vốn đầu tư công tư 10.000 tỷ đồng trở lên;
+ Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: nhà máy điện hạt nhân; sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên;
+ Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên;
+ Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở vùng khác;
+ Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
- Trừ dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội nêu trên, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc một trong các tiêu chí sau đây:
+ Di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác;
+ Dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương do Bộ, cơ quan trung ương quản lý, có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công, dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;
+ Đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay; nhà ga hành khách của cảng hàng không quốc tế; nhà ga hàng hóa của cảng hàng không, sân bay có công suất từ 01 triệu tấn/năm trở lên;
+ Đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển loại I có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
- Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc phạm vi quản lý, trừ dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc phạm vi quản lý của địa phương, trừ dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.
6. Thay đổi quy định về tỉ lệ góp vốn của chủ sở hữu
Theo Điều 77 Luật PPP 2020 quy định về góp vốn chủ sở hữu thì nhà đầu tư phải góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 15% tổng mức đầu tư dự án không bao gồm vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và vốn nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm. Nhà đầu tư phải góp vốn chủ sở hữu theo tiến độ thỏa thuận tại hợp đồng dự án PPP.
Hiện nay, theo Nghị định 63/2018/NĐ-CP thì tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc như sau:
- Đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư;
- Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; đối với phần vốn từ trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%.
7. Ghi nhận thủ tục giải quyết kiến nghị trong lựa chọn nhà đầu tư
Theo Điều 96 Luật PPP 2020, quy trình giải quyết kiến nghị về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện như sau:
- Nhà đầu tư gửi văn bản kiến nghị đến bên mời thầu từ khi xảy ra sự việc đến trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư;
- Bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà đầu tư trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà đầu tư;
- Trường hợp bên mời thầu không có văn bản giải quyết kiến nghị hoặc nhà đầu tư không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà đầu tư có quyền gửi văn bản kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của bên mời thầu;
- Cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà đầu tư trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà đầu tư.
Quy trình giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện như sau:
- Nhà đầu tư gửi văn bản kiến nghị đến bên mời thầu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư;
- Bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà đầu tư;
-Trường hợp bên mời thầu không có văn bản giải quyết kiến nghị hoặc nhà đầu tư không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà đầu tư có quyền gửi văn bản kiến nghị đồng thời đến cơ quan có thẩm quyền và cơ quan thường trực của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của bên mời thầu.
Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị cấp trung ương do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập; cấp Bộ, cơ quan trung ương, cơ quan khác do Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác thành lập; cấp địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập;
- Khi nhận được văn bản kiến nghị, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị có quyền yêu cầu nhà đầu tư, bên mời thầu và các cơ quan liên quan cung cấp thông tin để xem xét và có văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền về phương án, nội dung trả lời kiến nghị trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà đầu tư;
- Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị căn cứ văn bản kiến nghị của nhà đầu tư đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tạm dừng cuộc thầu. Nếu chấp thuận, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị, cơ quan có thẩm quyền có văn bản thông báo tạm dừng cuộc thầu. Văn bản tạm dừng cuộc thầu phải được gửi đến bên mời thầu, nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra văn bản thông báo tạm dừng cuộc thầu. Thời gian tạm dừng cuộc thầu được tính từ ngày bên mời thầu nhận được thông báo tạm dừng đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản giải quyết kiến nghị;
- Cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà đầu tư trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị.
Lưu ý: Trường hợp nhà đầu tư gửi văn bản kiến nghị trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền mà không tuân thủ theo quy trình giải quyết kiến nghị quy định trên thì văn bản kiến nghị không được xem xét, giải quyết.
8. Quy định cụ thể các hình thức xử lý vi phạm trong đầu tư theo phương thức PPP
Theo Điều 98 Luật PPP 2020 thì vi phạm trong đầu tư theo phương thức PPP sẽ được xử lý như sau:
- Cấm tham gia hoạt động đầu tư theo phương thức PPP được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư theo phương thức PPP.
- Hủy thầu, đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc tuyên bố vô hiệu đối với các quyết định của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng, bên mời thầu khi phát hiện có hành vi vi phạm quy định pháp luật.
- Chấm dứt, đình chỉ hợp đồng khi phát hiện có hành vi vi phạm hợp đồng hoặc quy định pháp luật.
- Ngoài các hình thức xử lý vi phạm trên, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Chi tiết xem thêm tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) 2020 có hiệu lực từ 01/01/2021.
Lê Vy