Theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP, có 08 trường hợp phải hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
- Bổ sung quy định xử phạt hành chính lĩnh vực chứng khoán
- Quy định mới về xử phạt tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn
08 trường hợp phải hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Ảnh minh họa)
Căn cứ khoản 1 Điều 13 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, người đã ban hành quyết định tự mình hoặc theo yêu cầu của những người quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính phải ban hành quyết định hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(1) Không đúng đối tượng vi phạm;
(2) Vi phạm quy định về thẩm quyền ban hành quyết định;
(3) Vi phạm quy định về thủ tục ban hành quyết định;
(4) Trường hợp giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính (quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính);
(5) Trường hợp xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính (khoản 6 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính);
(6) Trường hợp giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính (khoản 10 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính);
(7) Trường hợp có quyết định khởi tố vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đối với vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
(8) Trường hợp không ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
So với Nghị định 81/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 97/2017/NĐ-CP, bổ sung trường hợp không đúng đối tượng vi phạm; giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.
Ngoài ra, quy định hiện hành còn cho phép tùy thuộc vào tính chất, mức độ sai sót, người đã ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính phải hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Có sai sót về nội dung làm thay đổi cơ bản nội dung của quyết định;
- Quyết định giải quyết khiếu nại của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại được ban hành dẫn đến việc thay đổi căn cứ, nội dung của quyết định về xử lý vi phạm hành chính.
Từ năm 2022, Nghị định 118/2021/NĐ-CP không còn quy định này mà chỉ quy định 08 trường hợp phải hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ khoản 3 Điều 13 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, trong các trường hợp (1), (2), (3), (5), (6), nếu có căn cứ để ban hành quyết định mới, thì người đã ban hành quyết định phải ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới.
Trong trường hợp không ra quyết định xử phạt, nếu tang vật, phưorng tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc pháp luật có quy định áp dụng hình thức xử phạt tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới để tịch thu, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Hiện nay, tại khoản 9 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP quy định nếu có căn cứ để ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính thì người đã ban hành quyết định phải ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới.
Nghị định 118/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022; thay thế Nghị định 81/2013/NĐ-CP và Nghị định 97/2017/NĐ-CP.
Bảo Ngọc