Tết nguyên đán là một dịp lễ lớn của nước ta, vào thời điểm này cả nước đều được nghỉ nhiều hơn so với các ngày lễ khác trong năm, chính vì vậy các tệ nạn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật trong những ngày Tết cũng nhiều hơn so với ngày thường.
- Mức phạt các vi phạm giao thông thường gặp trong dịp Tết Âm lịch 2021
- 07 Nghị định xử phạt áp dụng nhiều nhất vào dịp Tết nguyên đán 2021 (Phần 2)
07 Nghị định xử phạt áp dụng nhiều nhất vào dịp Tết nguyên đán 2021 (Hình minh họa)
Thư Ký Luật xin gửi tới Quý Bạn đọc và Thành viên những nghị định xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng nhiều nhất vào thời điểm Tết nguyên đán năm 2021, cụ thể:
1. Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ
Trong dịp Tết nguyên đán, những vấn nạn như rượu chè say xỉn mà vẫn tham gia giao thông, đi xe không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, chở ba, chở bốn, vượt đèn đỏ, đèn vàng, đua xe, chạy quá tốc độ xảy ra thường xuyên và tần suất dày đặc so với ngày thường vì nghĩ Tết nên sẽ không có công an xử phạt.
Đối với các hành vi trên sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ban hành từ cuối năm 2019, đã được áp dụng trong Tết nguyên đán 2020 và sắp tới đây cũng sẽ áp dụng Nghị định 100 để xử phạt các hành vi vi phạm trên.
Đơn cử một số mức phạt tương ứng cho các lỗi thường gặp trong dịp Tết như sau: (Ví dụ cho mức phạt cao nhất)
- Sử dụng rượu bia trước khi tham gia giao thông: Đối với xe ô tô là 40 triệu đồng và xe máy là 8 triệu đồng;
- Chạy quá tốc độ: Đối với xe ô tô là 12 triệu đồng và xe máy là 05 triệu đồng;
- Vượt đèn đỏ, đèn vàng: Đối với xe ô tô là 05 triệu đồng và xe máy là 01 triệu đồng;
- Ô tô dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định: Phạt đến 8 triệu đồng;
- Xe máy đi vào cao tốc: Phạt đến 3 triệu đồng.
- Xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở 02 người trên xe: Phạt 300.000 đồng
2. Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình
Có lẽ dịp Tết là thời điểm áp dụng Nghị định 167/2013/NĐ-CP là nhiều nhất, bởi vì trong Nghị định này xử phạt đối với các hành vi vi phạm về trật tự an toàn xã hội, mà Tết là thời điểm mất trật tự nhất trong năm.
Các hành vi như say xỉn gây mất trật tự công cộng, hát hò ầm ĩ gây ảnh hưởng đến hàng xóm, đốt pháo trái quy định, cờ bạc trái phép, mua dâm, bán dâm, mua bán, sử dụng ma túy, xả rác bừa bãi,… là những hành vi thường xuyên xuất hiện trong dịp Tết nguyên đán, cũng là vấn nạn cần được khắc phục trong mọi dịp Tết đến xuân về nhưng còn rất nhiều khó khăn.
Đơn cử một số mức phạt tương ứng cho các hành vi vi phạm trên như sau:
- Say xỉn gây mất trật tự công cộng, tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng, đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng;
- Đốt pháo trái phép: Mặc dù Chính phủ đã cho phép người dân được đốt pháo hoa trong các dịp lễ tết từ năm 2021 nhưng đối với các hành vi vi sử dụng các loại pháo mà không đúng quy định sẽ bị phạt lên đến 2 triệu đồng.
- Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
- Đánh bạc trái phép: Bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật sẽ bị phạt đến 2 triệu đồng.
- Đối với hành vi mua dâm phạt đến 1 triệu đồng, bán dâm phạt 300 ngàn đồng.
3. Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Dịp Tết là thời điểm buôn bán hàng hóa tấp nập nhất trong năm, chính vì vậy những hành vi như buôn bán hàng già, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, giá cả hàng hóa bị đẩy lên cao cũng sôi nổi nhất trong năm. Với lượng tiêu thụ lớn của người tiêu dùng cho dịp Tết cộng với lòng tham muốn lời nhiều của con buôn nên đã dẫn đến hành vi buôn bán hàng trái pháp luật như trên. Đối với các hành vi này sẽ bị xử phạt theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
Đơn cử một số mức phạt tương ứng thường xảy ra trong dịp tết như sau:
- Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu: Mức phạt từ 1 triệu đến 100 triệu tùy theo số lượng;
- Buôn bán pháo nổ: Mức phạt từ 1 triệu đến 100 triệu tùy theo khối lượng;
- Buôn bán hàng hóa cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng: Mức phạt từ 1 triệu đến 100 triệu tùy theo giá trị giá hoặc số tiền thu lợi bất chính;
- Buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng: Mức phạt từ 1 triệu đến 70 triệu đồng tùy theo trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá bao nhiêu;
- Buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa: Mức phạt từ 1 triệu đến 50 triệu đồng tùy theo trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá bao nhiêu;
- Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ: Mức phạt từ 300 ngàn đồng đến 50 triệu đồng tùy từng trường hợp hàng hóa vi phạm với số tiền bao nhiêu;
- Bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi: Phạt đến 1 triệu đồng
>>> Xem tiếp: 07 Nghị định xử phạt áp dụng nhiều nhất vào dịp Tết nguyên đán 2021 (Phần 2)
Lê Hải