Báo cáo viên pháp luật là ai? Tiêu chuẩn trở thành báo cáo viên pháp luật quy định thế nào? - Quốc Tính (Cần Thơ)
05 điều cần biết về báo cáo viên pháp luật (Hình từ Internet)
1. Báo cáo viên pháp luật là ai?
Theo khoản 1 Điều 35 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 thì báo cáo viên pháp luật là cán bộ, công chức, viên chức và sỹ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận để kiêm nhiệm thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
2. Tiêu chuẩn với báo cáo viên pháp luật
Báo cáo viên pháp luật phải có đủ các tiêu chuẩn theo khoản 2 Điều 35 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 như sau:
- Có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường tư tưởng vững vàng, có uy tín trong công tác;
- Có khả năng truyền đạt;
- Có bằng tốt nghiệp đại học luật và thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật ít nhất là 02 năm; trường hợp không có bằng tốt nghiệp đại học luật, nhưng có bằng tốt nghiệp đại học khác thì phải có thời gian công tác liên quan đến pháp luật ít nhất là 03 năm.
3. Thẩm quyền công nhận và miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật
Thẩm quyền công nhận và miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật theo khoản 3 và khoản 4 Điều 35 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 như sau:
- Thẩm quyền quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật được quy định như sau:
+ Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận;
+ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật của cơ quan nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên của Mặt trận cấp tỉnh;
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật của cơ quan nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên của Mặt trận cấp huyện.
- Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật có quyền miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật. Cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp báo cáo viên pháp luật tổ chức rà soát, đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật.
4. Quyền và nghĩa vụ của báo cáo viên pháp luật
Theo Điều 36 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định về quyền và nghĩa vụ của báo cáo viên pháp luật như sau:
- Báo cáo viên pháp luật có các quyền sau đây:
+ Được cung cấp văn bản quy phạm pháp luật, thông tin, tài liệu pháp luật phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật;
+ Được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật;
+ Được hưởng thù lao và chế độ theo quy định của pháp luật.
- Báo cáo viên pháp luật có các nghĩa vụ sau đây:
+ Thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo sự phân công; truyền đạt chính xác nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật;
+ Không được tiết lộ bí mật nhà nước và thực hiện các hành vi bị cấm khác;
+ Hằng năm, báo cáo về hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật do mình thực hiện với cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp.
5. Xử phạt hành chính với hành vi vi phạm nghĩa vụ của báo cáo viên pháp luật
Xử phạt hành chính với hành vi vi phạm nghĩa vụ của báo cáo viên pháp luật theo Điều 49 Nghị định 82/2020/NĐ-CP như sau:
- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Lợi dụng danh nghĩa tuyên truyền viên pháp luật để thực hiện các hoạt động không thuộc nhiệm vụ được giao nhằm trục lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Lợi dụng danh nghĩa báo cáo viên pháp luật để thực hiện các hoạt động không thuộc nhiệm vụ được giao nhằm trục lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Quốc Đạt
- Từ khóa:
- Báo cáo viên pháp luật