04 điểm mới trong quy định về khiếu nại áp dụng từ 10/12/2020

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 124/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại thay thế Nghị định 75/2012/NĐ-CP . Dưới đây là 04 điểm mới trong quy định về khiếu nại áp dụng từ 10/12/2020.

Khiếu nại

04 điểm mới trong quy định về khiếu nại áp dụng từ 10/12/2020 (Ảnh minh họa)

1. Quy định chi tiết về thủ tục, thời hạn khiếu nại lần hai

Theo Điều 4 Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai. Đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

Lưu ý: Khi khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

Trường hợp quá thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết thì người khiếu nại gửi đơn đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai, nêu rõ lý do và gửi kèm các tài liệu có liên quan về vụ việc khiếu nại.

Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai phải xem xét thụ lý giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai. Quyết định giải quyết khiếu nại trong trường hợp này là quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.

Đặc biệt, người giải quyết khiếu nại lần hai áp dụng biện pháp xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu nếu có hành vi vi phạm pháp luật (đây là quy định mới hoàn toàn).

Trong khi đó, tại Điều 3 Nghị định 75/2012/NĐ-CP (sẽ hết hiệu lực từ ngày 10/12/2020) về việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính trong đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước chỉ quy định người có thẩm quyền giải quyết khiếu lần hai mà không quy định về trình tự và thời hạn khiếu nại lần hai.

Theo đó, từ ngày 10/12/2020, việc khiếu nại lần hai được quy định chi tiết, rõ ràng và sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định 124/2020/NĐ-CP.  

2. Việc ủy quyền cho người khác thực hiện khiếu nại được quy định chi tiết, rõ ràng ngay trong Nghị định 124

Tại Điều 5 Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.

Đặc biệt, trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại. Việc xác định người đại diện được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

Cơ quan, tổ chức thực hiện việc khiếu nại thông qua người đại diện theo pháp luật. Người đại diện của cơ quan, tổ chức được ủy quyền cho luật sư hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.

Lưu ý: Việc ủy quyền phải bằng văn bản và được chứng thực hoặc công chứng. Người ủy quyền được ủy quyền khiếu nại cho một người hoặc nhiều người về các nội dung ủy quyền khác nhau nhưng không được ủy quyền một nội dung cho nhiều người thực hiện. Văn bản ủy quyền khiếu nại được thực hiện theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định này.

Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 75/2012/NĐ-CP chỉ quy định khi nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì phải cử người đại điện để trình bày nội dung khiếu nại và người đại diện phải là người khiếu nại. Theo đó, không ghi nhận việc ủy quyền cho người khác khiếu nại thay mình.

Như vậy, tại Nghị định 124/2020/NĐ-CP đã quy định mới hoàn toàn về việc ủy quyền cho người khác thực hiện khiếu nại. Đồng thời đặc biệt ghi nhận trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại. Có thể thấy quy định mới này theo hướng có lợi cho người khiếu nại, dễ dàng áp dụng việc ủy quyền cho người khác để bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia khiếu nại.

3. Rút ngắn trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại

Theo quy định tại Điều 16 – Điều 30 Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại gồm 03 bước sau:

Bước 1: Thụ lý, chuẩn bị xác minh nội dung khiếu nại

- Thụ lý giải quyết khiếu nại;

- Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại;

- Giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại.

(Trong khi đó, tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư 07/2013/TT-TTCP quy định thêm về việc quyết định việc giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại, quyết định xác minh nội dung khiếu nại và kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại).

Theo đó, từ ngày 10/12/2020, người giải quyết khiếu nại hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ xác minh sẽ tự ban hành Quyết định xác minh nội dung khiếu nại, trong đó xác định rõ người thực hiện xác minh, quyền và nghĩa vụ của người thực hiện xác minh, thời gian, nội dung xác minh. 

Bước 2: Tiến hành xác minh nội dung khiếu nại

- Làm việc trực tiếp với người khiếu nại, người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại;

- Làm việc trực tiếp với người có quyền, lợi ích liên quan và người bị khiếu nại;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng;

- Tiếp nhận, xử lý thông tin, tài liệu, bằng chứng;

- Xác minh thực tế;

- Trưng cầu giám định;

- Làm việc với các bên có liên quan trong quá trình xác minh nội dung khiếu nại;

- Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại;

- Báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại;

- Tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai.

(Trong khi đó, tại Điều 9, Điều 19 và Điều 20 Thông tư 07/2013/TT-TTCP còn quy định thêm về thủ tục công bố quyết định xác minh nội dung khiếu nại, đình chỉ việc giải quyết khiếu nại và tham khảo ý kiến tư vấn trong việc giải quyết khiếu nại).

Bước 3: Ban hành, gửi, công khai quyết định giải quyết khiếu nại và lập, quản lý hồ sơ giải quyết khiếu nại

- Ban hành, gửi, công khai quyết định giải quyết khiếu nại;

- Lập, quản lý hồ sơ giải quyết khiếu nại.

Như vậy, có thể thấy, theo quy định tại Nghị định 124/2020/NĐ-CP thì quy trình giải quyết khiếu nại được tối giản hơn, quy định này phù hợp với xu hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian cũng như nâng cao hiệu quả giải quyết các khiếu nại.

4. Có thể bị xử lý kỷ luật nếu vi phạm pháp luật về khiếu nại

Tại Điều 39 Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại, người có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật mà có hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật.

Về hình thức xử lý kỷ luật bao gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các nội dung khác có liên quan đến việc xử lý kỷ luật người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại, người thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật mà có vi phạm pháp luật khiếu nại nhưng chưa được quy định tại Nghị định 124/2020/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, đây là quy định mới hoàn toàn được ghi nhận tại Nghị định 124/2020/NĐ-CP mà trước đây tại Nghị định 75/2012/NĐ-CP chưa có. Như vậy, từ ngày 10/12/2020, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại, người có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có thể bị xử lý kỷ luật, tùy theo tính chất, mức độ mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lê Vy

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1449 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;