Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gửi bản kiến nghị bỏ hàng loạt các điều kiện kinh doanh tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện - trong đó có đề cập đến điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo VCCI, trước đây gạo được xem là loại hàng hóa liên quan đến an ninh lương thực quốc gia nên phải có các Chính sách quản lý đặc thù nhưng pháp luật hiện hành đã có nhiều quy định để đảm bảo an ninh quốc gia, quốc phòng và các lợi ích công cộng liên quan đến sản phẩm gạo. Hơn nữa, VCCI cho rằng với vị trí Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới, khả năng thiếu gạo tiêu thụ trong nước làm ảnh hưởng tới an ninh lương thực có lẽ là không thực sự lớn. Do đó yêu cầu về điều kiện đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo để đảm bảo cho lợi ích công cộng là không cần thiết.
Nghị định 109/2010/NĐ-CP đưa ra các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo như sau:
Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Có ít nhất 01 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, phù hợp quy chuẩn chung;
- Có ít nhất 01 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung.
Và kho chứa, cơ sở xay, xát phải thuộc sở hữu của thương nhân và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận.
Xuất phát từ quy định trên, nhiều ý kiến cho rằng quy định về điều kiện như vậy quá khắt khe, chỉ có các doanh nghiệp lớn mới có thể đáp ứng được, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì mất đi cơ hội tiếp cận thị trường.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng những yếu tố liên quan đến thị trường xuất khẩu gạo đã có sự thay đổi. Trước đây Nghị định 109 ra đời, đưa ra các yêu cầu cần thiết và phù hợp để các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư vào cơ sở hạ tầng, máy móc để thúc đẩy quá trình vận hành trong hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu mặt hàng gạo cũng như nâng cao chất lượng gạo; khuyến khích doanh nghiệp gắn bó lâu dài với ngành lúa gạo. Hơn nữa, vấn đề an ninh lương thực yêu cầu khá chặt chẽ, mua bán phải có kho để khi ký hợp đồng, tránh biến động giá cả, tránh cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay việc áp dụng Nghị định109 là không còn phù hợp nữa.
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, bước vào nền kinh tế thị trường nên không cần phải ràng buộc cấm hay không cấm nữa, mà nên buôn bán tự do, tạo điều kiện để cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này có cơ hội tham gia và cạnh tranh bình đẳng hơn.