Đây là vấn đề hiện nay khá nhiều người đang quan tâm và còn nhiều thắc mắc. Doanh nghiệp được khai bổ sung hải quan trong trường hợp nào và những trường hợp nào thì không bị xử phạt vi phạm khi khai bổ sung hải quan? Thư Ký Luật xin giải đáp cụ thể tại bài viết dưới đây.
- Đã có hướng dẫn mới về miễn thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ
- Thủ tục hải quan năm 2019 (Phần 3): Các trường hợp hủy tờ khai hải quan và thủ tục hủy
- Tổng hợp các văn bản hợp nhất về lĩnh vực thuế - kế toán năm 2019
- Điểm mới nổi bật của 06 Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019
- Thủ tục hải quan năm 2019 (Phần 1): Các trường hợp không phải mở tờ khai hải quan
- File word bản tiếng anh của Thông tư 38/2015 và Thông tư 39/2018
Thủ tục hải quan năm 2020: Những trường hợp khai bổ sung hải quan không bị xử phạt (Ảnh minh họa)
TOÀN BỘ VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ HẢI QUAN NĂM 2019
Theo quy định tại Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC, Khoản 9 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC, trừ các chỉ tiêu thông tin trên tờ khai hải quan không được khai bổ sung quy định tại mục 3 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 38, người khai hải quan được khai bổ sung các chỉ tiêu thông tin trên tờ khai hải quan trong các trường hợp sau:
- Khai bổ sung trong thông quan:
+ Người khai hải quan, người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ hải quan trước thời điểm cơ quan hải quan thông báo kết quả phân luồng tờ khai hải quan cho người khai hải quan;
+ Người khai hải quan, người nộp thuế phát hiện sai sót trong việc khai hải quan sau thời điểm cơ quan hải quan thông báo kết quả phân luồng nhưng trước khi thông quan thì được khai bổ sung hồ sơ hải quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật;
+ Người khai hải quan, người nộp thuế thực hiện khai bổ sung hồ sơ hải quan theo yêu cầu của cơ quan hải quan khi cơ quan hải quan phát hiện sai sót, không phù hợp giữa thực tế hàng hóa, hồ sơ hải quan với thông tin khai báo trong quá trình kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
- Khai bổ sung sau khi hàng hóa đã được thông quan:
Trừ nội dung khai bổ sung liên quan đến giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, thực vật, an toàn thực phẩm, người khai hải quan thực hiện khai bổ sung sau thông quan trong các trường hợp sau:
+ Người khai hải quan, người nộp thuế xác định có sai sót trong việc khai hải quan thì được khai bổ sung hồ sơ hải quan trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan nhưng trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra;
+ Quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước khi cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra, người khai hải quan, người nộp thuế mới phát hiện sai sót trong việc khai hải quan thì thực hiện khai bổ sung và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định trên có thể thấy, trường hợp doanh nghiệp khai bổ sung hồ sơ hải quan trước thời điểm cơ quan hải quan thông báo kết quả phân luồng tờ khai hải quan hoặc doanh nghiệp phát hiện sai sót trong việc khai hải quan, chủ động thực hiện khai bổ sung trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước khi cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan thì được miễn xử phạt.
Ngoài ra, đối với các trường hợp khai bổ sung hồ sơ hải quan bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định cũng sẽ được xem xét không xử phạt nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 5 Nghị định 127/2013/NĐ-CP, Khoản 2 Điều 1 Nghị định 45/2016/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư 155/2016/TT-BTC, bao gồm:
- Hàng hóa, phương tiện vận tải được đưa vào lãnh thổ Việt Nam do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng thì phải thông báo với Chi cục Hải quan hoặc Đội Kiểm soát hoặc Hải đội kiểm soát trên biển hoặc Cục Hải quan tỉnh, thành phố, chính quyền địa phương nơi gần nhất hoặc cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật chậm nhất không quá 03 ngày, kể từ ngày đưa hàng hóa, phương tiện vận tải vào lãnh thổ Việt Nam; hàng hóa, phương tiện vận tải đó phải được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam sau khi các yếu tố nêu trên được khắc phục.
- Nhầm lẫn trong quá trình nhập khẩu, gửi hàng hóa vào Việt Nam nhưng đã được người gửi hàng, người nhận hoặc người đại diện hợp pháp thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do tới Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa kèm theo các chứng từ liên quan đến việc nhầm lẫn khi chưa đăng ký tờ khai hải quan; trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu là ma túy, vũ khí, tài liệu phản động, hóa chất độc Bảng I trong Công ước cấm vũ khí hóa học.
Trường hợp có căn cứ xác định có sự thông đồng giữa người gửi hàng, người nhận hàng và/hoặc người vận chuyển để trốn thuế, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới hoặc buôn lậu thì cơ quan hải quan có quyền từ chối chấp nhận nhầm lẫn và xử lý theo quy định của pháp luật. Việc từ chối chấp nhận nhầm lẫn của cơ quan hải quan phải được thực hiện bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do.
- Các trường hợp được khai bổ sung hồ sơ hải quan trong thời hạn theo quy định của pháp luật. Đó là các trường hợp sửa chữa tờ khai, khai bổ sung hồ sơ hải quan được quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC.
- Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại Điều 8, Điều 13 Nghị định 127/2013/NĐ-CP nhưng số tiền thuế chênh lệch không quá 500.000 đồng đối với trường hợp vi phạm do cá nhân thực hiện hoặc 2.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm do tổ chức thực hiện.
- Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không đúng với khai hải quan về số lượng, trọng lượng quy định tại Điều 7 Nghị định 127/2013/NĐ-CP mà hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không đúng với khai hải quan có trị giá không quá 10% trị giá hàng hóa thực xuất khẩu, thực nhập khẩu, nhưng tối đa không quá 10.000.000 đồng.
- Người khai hải quan lần đầu làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đã khai đúng tên hàng hóa thực xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định về khai hải quan nhưng khai sai mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; khai sai thuế suất, mức thuế đối với hàng hóa đó theo Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.
- Vi phạm quy định về khai hải quan đối với ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, vàng của người xuất cảnh, nhập cảnh mà tang vật vi phạm có trị giá dưới 5.000.000 đồng.
- Trường hợp nhập khẩu hàng hóa, vật phẩm vi phạm quy định về khai hải quan, vi phạm quy định tại Điều 14 Nghị định 127/2013/NĐ-CP nhưng do doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát nhanh thay mặt chủ hàng làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật, nếu không có căn cứ xác định có sự thông đồng giữa người gửi hàng, người nhận hàng, người làm thủ tục hải quan nhằm mục đích gian lận thì không xử phạt.
Nguyễn Trinh