Quy định về kiểm tra thực tế hàng hóa trong lĩnh vực hải quan

Khi nào hàng hóa được kiểm tra thực tế khi làm thủ tục hải quan? Nội dung, hình thức kiểm tra thực tế hàng hóa ra sao? – Nhật Thanh (TP. HCM)

Quy định về kiểm tra thực tế hàng hóa trong lĩnh vực hải quan

Quy định về kiểm tra thực tế hàng hóa trong lĩnh vực hải quan (Hình từ Internet)

1. Trường hợp hàng hóa được kiểm tra thực tế

Theo khoản 12 Điều 4 Luật Hải quan 2014, kiểm tra hải quan là việc cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ hải quan, các chứng từ, tài liệu liên quan và kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải.

Điều 33 Luật Hải quan 2014 quy định về trường hợp hàng hóa được kiểm tra thực tế như sau:

- Hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau được miễn kiểm tra thực tế:

+ Hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp;

+ Hàng hóa chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh;

+ Hàng hóa thuộc trường hợp đặc biệt khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Hàng hóa được miễn kiểm tra thực tế nêu trên mà phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải được kiểm tra thực tế.

- Hàng hóa không thuộc trường hợp được miễn kiểm tra thực tế nêu trên, việc kiểm tra thực tế được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro.

- Hàng hóa là động vật, thực vật sống, khó bảo quản, hàng hóa đặc biệt khác được ưu tiên kiểm tra trước.

2. Nội dung kiểm tra thực tế hàng hóa

Theo khoản 1 Điều 29 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, nội dung kiểm tra thực tế hàng hóa bao gồm:

- Kiểm tra tên hàng, mã số, số lượng, trọng lượng, khối lượng, chủng loại, chất lượng, xuất xứ, trị giá hải quan của hàng hóa.

- Kiểm tra đối chiếu sự phù hợp giữa thực tế hàng hóa với hồ sơ hải quan.

3. Các hình thức kiểm tra thực tế hàng hóa

Các hình thức kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Nghị định 08/2015/NĐ-CP bao gồm:

- Công chức hải quan kiểm tra trực tiếp;

- Kiểm tra bằng các phương tiện kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ khác;

- Kiểm tra thông qua kết quả phân tích, giám định hàng hóa.

Trong quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa nếu cần thiết phải thay đổi hình thức kiểm tra hàng hóa thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi kiểm tra thực tế hàng hóa quyết định.

Kết quả kiểm tra thực tế bằng máy soi, thiết bị soi chiếu kết hợp với cân điện tử và các thiết bị kỹ thuật khác là cơ sở để cơ quan hải quan ra quyết định việc thông quan hàng hóa.

Trường hợp bằng các máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện có tại Chi cục Hải quan, địa điểm kiểm tra hải quan, công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa không đủ cơ sở để xác định tính chính xác đối với nội dung khai của người khai hải quan về tên hàng, mã số, chủng loại, chất lượng, khối lượng, trọng lượng thì yêu cầu cơ quan kiểm định hải quan thực hiện việc phân tích phân loại hoặc giám định để xác định các nội dung trên.

Trường hợp cơ quan hải quan không đủ điều kiện để xác định tính chính xác đối với nội dung khai của người khai hải quan thì cơ quan hải quan trưng cầu giám định của tổ chức giám định theo quy định của pháp luật và căn cứ kết quả giám định để quyết định việc thông quan hàng hóa.

(Khoản 5 Điều 29 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 59/2018/NĐ-CP)

4. Thẩm quyền quyết định kiểm tra thực tế hàng hóa

Khoản 2 Điều 29 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định về thẩm quyền quyết định hình thức, mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa như sau:

- Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra thực tế, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi tiếp nhận, xử lý hồ sơ hải quan căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 59/2018/NĐ-CP) và thông tin liên quan đến hàng hóa để quyết định hình thức, mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa.

- Thời hạn hoàn thành việc kiểm tra thực tế hàng hóa thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 23 Luật Hải quan 2014.

Theo đó, hoàn thành việc kiểm tra thực tế hàng hóa chậm nhất là 08 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hóa cho cơ quan hải quan.

+ Trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật có liên quan thì thời hạn hoàn thành kiểm tra thực tế hàng hóa được tính từ thời điểm nhận được kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định.

+ Trường hợp lô hàng có số lượng lớn, nhiều chủng loại hoặc việc kiểm tra phức tạp thì Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan quyết định việc gia hạn thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa, nhưng thời gian gia hạn tối đa không quá 02 ngày.

- Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi tiếp nhận, xử lý hồ sơ hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa hoặc thủ trưởng cơ quan Hải quan quản lý địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung quyết định thay đổi mức độ, hình thức kiểm tra thực tế hàng hóa và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Văn Trọng

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
10003 lượt xem
Liên quan Văn bản
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;