Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp. Đáng chú ý tai Dự thảo này là quy định sửa đổi, bổ sug về các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với những vi phạm về hải quan.
Ảnh minh họa
Cụ thể, theo Dự thảo này, với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, tổ chức, cá nhân bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
1. Về phạt cảnh cáo: Áp dụng đối với cá nhân từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có hành vi vi phạm quy định tại Dự thảo này. (Nghị định 127/2013/NĐ-CP và Nghị định 45/2016/NĐ-CP không quy định về nội dung này)
2. Về phạt tiền: Mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm quy định tại Dự thảo này được quy định như sau:
- Mức phạt tiền quy định tại Chương II Dự thảo này là mức phạt tiền đối với tổ chức; mức phạt tiền đối với cá nhân bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản Khoản 3 Điều 5 Dự thảo này;
- Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 10 Dự thảo là mức phạt tiền đối với cá nhân;
- Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế quy định tại Điều 9 và Điều 14 Dự thảo này là mức phạt tiền được áp dụng đối với cả cá nhân và tổ chức theo quy định tại khoản 4 Điều 136 và khoản 2 Điều 138 Luật quản lý thuế 2019;
- Hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, hộ gia đình thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Dự thảo này bị xử phạt vi phạm như đối với cá nhân. (Đây là nôi dung mới được bổ sung tại Dự thảo so với Nghị định 127 và Nghị định 45)
3. Về hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm hành chính.
4. Về biện pháp khắc phục hậu quả: Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, phương tiện vận tải;
- Buộc thực hiện việc vận chuyển hàng hóa quá cảnh, chuyển cảng, chuyển khẩu, chuyển cửa khẩu, hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất đúng cửa khẩu, tuyến đường quy định;
- Buộc loại bỏ bao bì, nhãn hàng hóa đã thay đổi do hành vi vi phạm; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng hóa trước khi đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (Đây là nội dung mới được bổ sung tại Dự thảo so với Nghị định 127 và Nghị định 45. Hiện nay, Nghị định 127 và Nghị định 45 chỉ quy định buộc loại bỏ bao bì, nhãn hàng hóa đã thay đổi do hành vi vi phạm)
- Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;
- Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn;
- Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn, số tiền thuế thiếu; (Đây là nội dung mới được bổ sung tại Dự thảo so với Nghị định 127 và Nghị định 45)
- Buộc nộp đủ số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn, không thu không đúng; (Đây là nội dung mới được bổ sung tại Dự thảo so với Nghị định 127 và Nghị định 45)
- Buộc dán tem “Vietnam duty not paid” theo quy định. (Đây là nội dung mới được bổ sung tại Dự thảo so với Nghị định 127 và Nghị định 45)
Lưu ý, những nội dung được in đậm tại bài viết là những nội dung tại Dự thảo có thay đổi so với quy định hiện hành tại Nghị định 127 và Nghị định 45.
Xem thêm các nội dung của Dự thảo TẠI ĐÂY.
Nguyễn Trinh