Mới đây, Tổng Cục Hải quan vừa có Công văn 6464/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho ý kiến giải đáp vướng mắc về chứng từ chứng nhận xuất xứ trong Hiệp định EVFTA.
- Hợp đồng áp dụng cho gói thầu mua sắm hàng hoá theo Hiệp định EVFTA
- Theo Hiệp định EVFTA, hàng hóa nào được xem là có xuất xứ thuần túy?
- Hướng dẫn công nhận chứng từ tự chứng nhận xuất xứ của nước không phải TV EVFTA
Tổng hợp giải đáp vướng mắc về chứng từ chứng nhận xuất xứ trong Hiệp định EVFTA (Ảnh minh họa)
Cụ thể, tại Công văn 6464/TCHQ-GSQL, Tổng cục Hải quan đã cho ý kiến giải đáp vướng mắc đối với:
1. Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp người bán hàng có trụ sở tại lãnh thổ của nước không phải thành viên EVFTA
Theo đó, Tổng Cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh căn cứ hướng dẫn tại các văn bản sau để kiểm tra và xử lý theo quy định trường hợp chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp người bán hàng có trụ sở tại lãnh thổ của nước không phải thành viên EVFTA, cụ thể:
- Điều 24 Thông tư 11/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về hình thức khai báo, thông tin khai báo trên chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu, ban hành ngày 15/6/2020;
- Điều 3 Thông tư 11/2020/TT-BCT quy định về “nhà xuất khẩu” như sau:
“Nhà xuất khẩu” là cá nhân, tổ chức có trụ sở đặt tại Nước thành viên xuất khẩu, xuất khẩu hàng hóa sang Nước thành viên khác, có khả năng chứng minh được xuất xứ của hàng hóa. Nhà xuất khẩu có thể là nhà sản xuất hoặc người thực hiện thủ tục xuất khẩu. Nhà xuất khẩu không nhất thiết là người bán hàng mà phát hành hóa đơn cho lô hàng (hóa đơn bên thứ ba). Người bán hàng được phép đặt trụ sở tại lãnh thổ của nước không phải thành viên EVFTA.
- Việc kiểm tra xác định tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và xuất xứ hàng hóa nhập khẩu căn cứ quy định tại Thông tư 38/2018/TT-BTC (sửa đổi bổ sung tại Thông tư 62/2019/TT-BTC) và các văn bản có liên quan.
2. Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ cho lô hàng bao gồm nhiều chủng loại hàng hóa có xuất xứ từ nhiều nước thành viên hoặc khai báo xuất xứ trên chứng từ thương mại cho cả hàng hóa không có xuất xứ EU
Vấn đề này được Tổng Cục Hải quan cho ý kiến như sau:
- Theo thông báo từ Hải quan EU, đối với khai báo về xuất xứ hàng hóa quy định tại Mẫu lời văn khai báo xuất xứ hàng hóa ban hành tại Phụ lục VII, Thông tư 11/2020/TT-BCT, người xuất khẩu EU khai báo xuất xứ “EU” hoặc “European Union” (Liên minh châu Âu). Người xuất khẩu không khai báo xuất xứ theo tên của một nước Châu Âu.
Trường hợp cơ quan hải quan tiếp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa khai báo xuất xứ theo tên một nước Châu Âu, yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố gửi báo cáo về Tổng cục để được hướng dẫn.
- Điều 24 Thông tư 11/2020/TT-BCT quy định nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn, phiếu giao hàng hoặc chứng từ thương mại khác có đủ thông tin về hàng hóa.
Theo đó, chứng từ thương mại khai báo cả hàng hóa không có xuất xứ EU và hàng hóa có xuất xứ EU sẽ không làm ảnh hưởng đến tính hợp lệ trong khai báo tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa với điều kiện tự khai báo xuất xứ cho các hàng hóa xuất xứ EU đáp ứng quy định Thông tư 11/2020/TT-BCT và các văn bản có liên quan.
3. Chứng từ chứng minh hàng hóa không thay đổi xuất xứ
Tổng Cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh thực hiện theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 17, Thông tư 11/2020/TT-BCT về chứng từ chứng minh hàng hóa không thay đổi xuất xứ khi quá cảnh qua nước không thành viên, cụ thể:
4. Trong trường hợp nghi ngờ, Nước nhập khẩu yêu cầu người khai hải quan cung cấp bằng chứng của việc tuân thủ, dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm:
a) Chứng từ vận tải như vận tải đơn.
b) Chứng từ thực tế hoặc cụ thể về dán nhãn hoặc đánh số kiện hàng.
c) Chứng từ liên quan đến hàng hóa.
d) Giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền nước quá cảnh hoặc nước chia nhỏ lô hàng cung cấp hoặc bất kỳ chứng từ chứng minh hàng hóa nằm trong sự kiểm soát của hải quan nước quá cảnh hoặc nước chia nhỏ lô hàng.
5. Thuật ngữ “trong trường hợp nghi ngờ” quy định tại khoản 4 Điều này được hiểu là Nước thành viên nhập khẩu được quyền xác định trường hợp cần thiết phải yêu cầu nhà nhập khẩu cung cấp chứng từ chứng minh theo quy định tại khoản 4 Điều này nhưng không thể thường xuyên yêu cầu việc nộp các chứng từ chứng minh đó.
4. Kiểm tra mã số REX
Việc kiểm tra mã số REX được hướng dẫn như sau:
- Để kiểm tra tính hợp lệ của mã số REX của công ty xuất khẩu Châu Âu, yêu cầu truy cập trang thông tin điện tử sau đây: https://ec.europa.eu/taxation_customs/dds2/eos/rex_validation.jsp?
Theo thông báo của Hải quan Châu Âu, cơ quan hải quan có thể tra cứu được thông tin về nhà xuất khẩu (như tên công ty, địa chỉ, công ty sản xuất hay công ty thương mại), danh sách hàng hóa,.. trong trường hợp nhà xuất khẩu đồng ý phổ biến thông tin này trên trang điện tử. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, như một số nhà xuất khẩu của Đức, chỉ có thông tin về mã số REX và thời hạn hiệu lực của mã số REX được công bố.
- Việc kiểm tra tính hợp lệ của chứng từ tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương tại Thông tư 11/2020/TT-BCT; Thông tư 38/2018/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 62/2019/TT-BTC) của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn liên quan.
5. Xử lý thuế đối với các lô hàng nhập khẩu đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu từ ngày 1/8/2020 đến trước ngày 18/9/2020 (thời điểm Nghị định 111/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 có hiệu lực)
Về vấn đề này Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh được yêu cầu thực hiện theo hướng dẫn tại mục 3.1 Công văn 6283/TCHQ-TXNK ngày 24/9/2020 về xử lý tiền thuế nộp thừa.
Thùy Trâm