Cho tôi hỏi: Việc lưu giữ hàng hóa kinh doanh tạm nhập – tái xuất được quy định như thế nào? Xin cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật – Anh Nguyễn Ngọc Sơn ở Hải Phòng gửi câu hỏi cho Thư Ký Luật ngày 24/02/2020.
- Thủ tục xác nhận DN có hoạt động XK, NK hoặc tạm nhập, tái xuất hàng hóa
- Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa bị thu hồi khi nào?
- Hồ sơ, quy trình cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa
Ảnh minh họa
THƯ KÝ LUẬT giải đáp vấn đề của anh Sơn như sau:
Theo quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 82 Thông tư 38/2015/TT-BTC, việc lưu giữ hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được quy định như sau:
1. Thời hạn lưu giữ
Theo quy định hiện hành tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP, hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập.
Trường hợp thương nhân cần kéo dài thời hạn lưu lại tại Việt Nam thì có văn bản đề nghị gửi Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục tạm nhập hàng hóa, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan xem xét, chấp nhận ký, đóng dấu Chi cục trên văn bản đề nghị của thương nhân và trả lại thương nhân để làm thủ tục tái xuất hàng hóa; lưu hồ sơ hải quan 01 bản chụp. Việc gia hạn được thực hiện không quá 02 lần cho mỗi lô hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất, mỗi lần không quá 30 ngày.
Quá thời hạn nêu trên, thương nhân phải tái xuất hàng hóa ra khỏi Việt Nam hoặc tiêu hủy. Trường hợp nhập khẩu vào Việt Nam thì thương nhân phải tuân thủ các quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa và thuế.
Đối với hàng hóa thuộc loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất có điều kiện theo quy định của Chính phủ hoặc hàng hóa thuộc Danh mục không khuyến khích nhập khẩu của Bộ Công Thương thì quá thời hạn được phép lưu giữ tại Việt Nam thương nhân chỉ được tái xuất qua cửa khẩu tạm nhập trong vòng 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn được phép lưu giữ tại Việt Nam (không được phép tái xuất qua cửa khẩu khác cửa khẩu tạm nhập). Trường hợp không tái xuất được thì bị tịch thu và xử lý theo quy định; trường hợp phải tiêu hủy thì thương nhân chịu trách nhiệm thanh toán chi phí tiêu hủy. Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập chịu trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu tái xuất trong việc bàn giao, quản lý, giám sát và xử lý hàng hóa quá thời hạn lưu giữ tại Việt Nam.
2. Địa điểm lưu giữ
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 82 Thông tư 38/2015/TT-BTC được bổ sung bởi Khoản 56 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất (bao gồm các trường hợp đã hoàn thành thủ tục tạm nhập hoặc đã hoàn thành thủ tục tái xuất, chờ thực xuất) được lưu giữ tại một trong các địa điểm sau:
- Khu vực chịu sự giám sát hải quan tại cửa khẩu;
- Cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa hoặc kho ngoại quan tại cửa khẩu nhập hoặc cửa khẩu xuất;
- Kho, bãi của thương nhân đã được Bộ Công Thương cấp mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất;
- Các điểm thông quan, địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu ở biên giới.
Như vậy, hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được lưu giữ sẽ được lưu giữ ở một trong bốn địa điểm quy định trên không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn lưu lại tại Việt Nam thì doanh nghiệp có văn bản đề nghị gia hạn gửi Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục tạm nhập hàng hóa. Việc gia hạn được thực hiện không quá 02 lần cho mỗi lô hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất, mỗi lần không quá 30 ngày.
Nguyễn Trinh