Doanh nghiệp nước ngoài có được kinh doanh tạm nhập, tái xuất tại Việt Nam?

Hiện nay, tạm nhập, tái xuất ngoài việc thực hiện theo hình thức kinh doanh thì còn hình thức nào không? Bên tôi là doanh nghiệp có vốn nước ngoài thì có được kinh doanh tạm nhập, tái xuất? Mong Thư Ký Luật có thể hỗ trợ cho tôi. Đây là câu hỏi của chị Nguyễn Hải L*** ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Doanh nghiệp nước ngoài có được kinh doanh tạm nhập, tái xuất tại Việt Nam, Nghị định 69/2018/NĐ-CP

Doanh nghiệp nước ngoài có được kinh doanh tạm nhập, tái xuất tại Việt Nam? Ảnh minh họa

Về vấn đề này, Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT có giải đáp như sau:

Hiện nay, tạm nhập, tái xuất được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, có thể chia thành 02 dạng chính là:

  • Tạm nhập, tái xuất theo hình thức kinh doanh;

  • Tạm nhập, tái xuất theo hình thức khác: bảo hành, bảo dưỡng, thuê mượn,…

Tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định 69/2018/NĐ-CP có nêu:

Điều 13. Kinh doanh tạm nhập, tái xuất

1. Thương nhân Việt Nam được quyền kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh theo các quy định sau:

a) Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện, thương nhân phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Mục 2 Chương này.

b) Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định này.

c) Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất tại cơ quan hải quan.

2. Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ được thực hiện tạm nhập, tái xuất hàng hóa theo quy định tại Điều 15 Nghị định này, không được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.

Như vậy, theo quy định này, doanh nghiệp có vốn đầu tư  nước ngoài không được phép kinh doanh hoạt động tạm nhập, tái xuất.

Theo đó, doanh nghiệp nước ngoài chỉ có thể thực hiện các hoạt động tạm nhập, tái xuất theo hình thức được quy định tại Điều 15 Nghị định 69/2018/NĐ-CP như sau:

Điều 15. Các hình thức tạm nhập, tái xuất khác

1. Trừ trường hợp hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, thương nhân được tạm nhập hàng hóa vào Việt Nam theo hợp đồng ký với nước ngoài để phục vụ mục đích bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn hoặc để sử dụng vì mục đích khác trong một khoảng thời gian nhất định rồi tái xuất chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam theo các quy định sau:

a) Đối với hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất. Hồ sơ, quy trình cấp Giấy phép quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định này.

Riêng đối với hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam, Bộ Công Thương cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất trên cơ sở văn bản chấp thuận của bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý hàng hóa đó.

b) Hàng hóa quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này khi sử dụng tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý.

c) Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này, thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất.

2. Thương nhân được tạm nhập hàng hóa mà thương nhân đã xuất khẩu để tái chế, bảo hành theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài và tái xuất khẩu trả lại thương nhân nước ngoài. Thủ tục tạm nhập, tái xuất thực hiện tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất.

3. Tạm nhập, tái xuất hàng hóa để trưng bày, giới thiệu, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại

a) Thương nhân được tạm nhập hàng hóa để trưng bày, giới thiệu, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại, trừ trường hợp hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

b) Thủ tục tạm nhập, tái xuất thực hiện tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất.

c) Thương nhân đảm bảo tuân thủ các quy định về trưng bày, giới thiệu hàng hóa, hội chợ, triển lãm thương mại quy định tại Mục 3, Mục 4 Chương IV Luật thương mại.

4. Trừ trường hợp hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất trong các trường hợp sau đây tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất:

a) Tạm nhập hàng hóa để phục vụ đo kiểm, khảo nghiệm.

b) Tạm nhập tái xuất linh kiện, phụ tùng tạm nhập không có hợp đồng để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài; linh kiện, phụ tùng tạm nhập để sửa chữa tàu biển, tàu bay theo hợp đồng ký giữa chủ tàu nước ngoài với nhà máy sửa chữa tại Việt Nam.

c) Tạm nhập tái xuất phương tiện chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo phương thức quay vòng.

5. Đối với việc tạm nhập, tái xuất máy móc, trang thiết bị, dụng cụ khám chữa bệnh của các tổ chức nước ngoài để khám, chữa bệnh tại Việt Nam vì mục đích nhân đạo; tạm nhập, tái xuất dụng cụ biểu diễn, trang thiết bị tập luyện, thi đấu của các đoàn nghệ thuật, đoàn thi đấu, biểu diễn thể thao, thủ tục tạm nhập, tái xuất thực hiện tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất.

Trường hợp máy móc, trang thiết bị, dụng cụ khám chữa bệnh; dụng cụ biểu diễn, trang thiết bị tập luyện, thi đấu thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện, khi thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất, ngoài hồ sơ hải quan theo quy định, cần nộp bổ sung các giấy tờ sau:

a) Văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc cho phép tiếp nhận đoàn khám chữa bệnh hoặc tổ chức sự kiện.

b) Văn bản cam kết sử dụng đúng mục đích và theo quy định pháp luật của cơ quan, tổ chức được cho phép tiếp nhận đoàn khám chữa bệnh hoặc tổ chức sự kiện.

....

Tóm lại, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể tạm nhập, tái xuất trong các trường hợp sau:

1. Tạm nhập, tái xuất theo hợp đồng bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn.

2. Tạm nhập tái xuất để tái chế, bảo hành theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài.

3. Tạm nhập tái xuất hàng hóa để trưng bày, giới thiệu, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại.

4. Tạm nhập hàng hóa để phục vụ đo kiểm, khảo nghiệm.

5. Tạm nhập tái xuất linh kiện, phụ tùng tạm nhập không có hợp đồng để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài; linh kiện, phụ tùng tạm nhập để sửa chữa tàu biển, tàu bay theo hợp đồng ký giữa chủ tàu nước ngoài với nhà máy sửa chữa tại Việt Nam.

6. Tạm nhập tái xuất phương tiện chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo phương thức quay vòng

7. Tạm nhập tái xuất sản phẩm vì mục đích nhân đạo và mục đích khác.

Lan Anh 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2917 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;