Cho hỏi, theo quy định hiện hành, ai có thẩm quyền xóa tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu? Nhờ Thư Ký Luật tư vấn giùm. Anh Hoàng Nhật Minh ở Đà Nẵng gửi câu hỏi cho Thư Ký Luật nhờ hỗ trợ ngày 27/3/2020.
Ảnh minh họa
Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT xin giải đáp vấn đề của anh Minh như sau:
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 136 Thông tư 38/2015/TT-BTC, Điều 67 Luật Quản lý thuế 2006 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 22 Điều 1 Luật quản lý thuế sửa đổi 2012, thẩm quyền xóa tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được quy định cụ thể như sau:
- Đối với người nộp thuế là doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản quy định tại khoản 1 Điều 65, cá nhân quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 65, hộ gia đình quy định tại khoản 3 Điều 65 của Luật Quản lý thuế 2006, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
- Đối với người nộp thuế không thuộc các trường hợp nêu trên thì thẩm quyền xóa nợ được quy định như sau:
+ Thủ tướng Chính phủ xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ mười tỷ đồng trở lên;
+ Bộ trường Bộ Tài chính xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ năm tỷ đồng đến dưới mười tỷ đồng;
+ Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới năm tỷ đồng.
- Chính phủ báo cáo Quốc hội số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa hằng năm khi trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.
- Chính phủ quy định việc tổ chức thực hiện xóa nợ.
Tuy nhiên, những quy định này chỉ còn hiệu lực đến ngày 30/6/2020. Kể từ ngày 01/7/2020, khi Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực thì thẩm quyền này được quy định như sau:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp sau đây:
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
+ Cá nhân đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.
+ Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của Hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, cá nhân không thuộc các trường hợp nêu trên mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại điểm g khoản 1 Điều 125 của Luật Quản lý thuế 2019 và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi.
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 85 của Luật Quản lý thuế 2019 có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới 5.000.000.000 đồng.
- Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 85 của Luật Quản lý thuế 2019 có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 10.000.000.000 đồng.
- Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 85 của Luật Quản lý thuế 2019 có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10.000.000.000 đồng đến dưới 15.000.000.000 đồng.
- Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 85 của Luật Quản lý thuế 2019 có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 15.000.000.000 đồng trở lên.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo tình hình kết quả xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho Hội đồng nhân dân cùng cấp vào kỳ họp đầu năm. Bộ trưởng Bộ Tài chính tổng hợp tình hình xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt để Chính phủ báo cáo Quốc hội khi quyết toán ngân sách nhà nước.
Nguyễn Trinh
- Từ khóa:
- Luật Quản lý thuế 2019