Quy định về đặt tên và số hiệu đường bộ

Xin hỏi việc đặt tên và số hiệu đường bộ hiện nay được pháp luật quy định như thế nào? - Trung Kiên (Tiền Giang)

Quy định về đặt tên và số hiệu đường bộ

Quy định về đặt tên và số hiệu đường bộ (Hình từ Internet)

1. Đường bộ gồm những gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì đường bộ bao gồm  đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ.

2. Đặt tên và số hiệu đường bộ 

Theo Điều 40 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về đặt tên và số hiệu đường bộ như sau:

- Đường bộ được đặt tên hoặc số hiệu như sau:

+ Tên đường được đặt tên danh nhân, người có công hoặc tên di tích, sự kiện lịch sử, văn hóa, tên địa danh hoặc tên theo tập quán; số hiệu đường được đặt theo số tự nhiên kèm theo chữ cái nếu cần thiết; trường hợp đường đô thị trùng với quốc lộ thì sử dụng cả tên đường đô thị và tên, số hiệu quốc lộ;

+ Tên, số hiệu đường bộ tham gia vào mạng lưới đường bộ trong khu vực, đường bộ quốc tế thực hiện theo thỏa thuận giữa Việt Nam với các quốc gia có liên quan. 

Đường bộ kết nối vào mạng lưới đường bộ trong khu vực, đường bộ quốc tế thì sử dụng cả tên, số hiệu đường trong nước và tên, số hiệu đường trong khu vực, đường bộ quốc tế.

- Việc đặt tên, số hiệu đường bộ do cơ quan có thẩm quyền phân loại đường bộ quyết định; riêng đường đô thị, đường tỉnh, việc đặt tên do HĐND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở đề nghị của UBND cùng cấp.

3. Phân loại đường bộ hiện nay

Việc phân loại đường bộ hiện nay được quy định tại Điều 39 Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau:

- Mạng lưới đường bộ được chia thành sáu hệ thống, gồm quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng, quy định như sau:

+ Quốc lộ là đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ ba địa phương trở lên; đường nối liền từ cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đến các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên đường bộ; đường có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực;

+ Đường tỉnh là đường nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện hoặc trung tâm hành chính của tỉnh lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

+ Đường huyện là đường nối trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện;

+ Đường xã là đường nối trung tâm hành chính của xã với các thôn, làng, ấp, bản và đơn vị tương đương hoặc đường nối với các xã lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã;

+ Đường đô thị là đường trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị;

+ Đường chuyên dùng là đường chuyên phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại của một hoặc một số cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Thẩm quyền phân loại và điều chỉnh các hệ thống đường bộ quy định như sau:

+ Hệ thống quốc lộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định;

+ Hệ thống đường tỉnh, đường đô thị do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định sau khi thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải (đối với đường tỉnh) và thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng (đối với đường đô thị);

+ Hệ thống đường huyện, đường xã do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định sau khi được Chủ tịch UBND cấp tỉnh đồng ý;

+ Hệ thống đường chuyên dùng do cơ quan, tổ chức, cá nhân có đường chuyên dùng quyết định sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với đường chuyên dùng đấu nối vào quốc lộ; 

Ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với đường chuyên dùng đấu nối vào đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện; ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp huyện đối với đường chuyên dùng đấu nối vào đường xã.

4. Tiêu chuẩn kỹ thuật đường bộ

Tiêu chuẩn kỹ thuật đường bộ theo Điều 41 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định như sau:

- Đường bộ được chia theo cấp kỹ thuật gồm đường cao tốc và các cấp kỹ thuật khác.

- Đường bộ xây dựng mới phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của từng cấp đường; các tuyến đường bộ đang khai thác chưa vào cấp phải được cải tạo, nâng cấp để đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của cấp đường phù hợp; đối với đường chuyên dùng còn phải áp dụng cả tiêu chuẩn riêng theo quy định của pháp luật.

- Trách nhiệm của các bộ quy định như sau:

+ Bộ Giao thông vận tải xây dựng, hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn kỹ thuật các cấp đường;

+ Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia các cấp đường.

- Trường hợp áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật đường bộ của nước ngoài thì phải được chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Quốc Đạt

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2087 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;