Hiện nay, Bộ Y tế vẫn đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư hướng dẫn về tổ chức, hoạt động cấp cứu tai nạn giao thông trên mạng đường bộ cao tốc.
Dự thảo Thông tư đưa ra một số quy định về hoạt động cấp cứu tai nạn giao thông trên mạng đường bộ cao tốc gồm sơ cấp cứu, cấp cứu, chăm sóc, vận chuyển người tham gia giao thông bị tai nạn hoặc người cần sự trợ giúp khẩn cấp về y tế tại mạng lưới đường bộ cao tốc.
Một trong những yêu cầu hàng đầu về hoạt động cấp cứu nói chung và cấp cứu tai nạn giao thông nói riêng chính là nguyên tắc:
- Đảm bảo nhanh chóng, kịp thời và có hiệu quả;
- Tuân thủ đúng chuyên môn y tế trong cấp cứu;
- Tuân thủ sự chỉ đạo của cơ quan đơn vị có thẩm quyền;
- Đồng thời là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan và đơn vị liên quan trong cấp cứu nạn nhân.
Theo Dự thảo Thông tư, mạng lưới cơ sở phục vụ hoạt động cứu nạn trên đường cao tốc bao gồm các trạm cấp cứu được phân bổ ở các vị trí cách nhau tối thiểu là 50km. Mỗi trạm cấp cứu được tổ chức độc lập hoặc lồng ghép với cơ sở khám, chữa bệnh gần tuyến đường cao tốc đi qua như: Trạm y tế xã, trung tâm y tế quận/ huyện, trung tâm cấp cứu 115, bệnh việc công lập và bệnh viện tư nhân.
Khi tiến hành hoạt động cấp cứu cho bệnh nhân, phải khai báo kịp thời thông tin về người bị tai nạn như tên, tuổi, địa chỉ cùng các chỉ số y học liên quan đến tình trạng sức khỏe của người bị tai nạn giao thông hoặc người bệnh cần sự cứu trợ khẩn cấp về dịch vụ y tế với Trung tâm điều hành giao thông tuyến;
Trong trường hợp vì những lý do khách quan không liên hệ được với Trung tâm điều hành giao thông tuyến thì phải thông báo kịp thời các thông tin của bệnh nhân với Trung tâm điều hành cấp cứu tai nạn giao thông khu vực.
Các hoạt động sơ cứu, cấp cứu đượ thực hiện theo quy định tại Quyết định 01/2008/QĐ-BYT. Đối với người bị tai nạn giao thông có thẻ bảo hiểm y tế, chi phí vận chuyển người bênh, sơ cứu, cấp cứu được thực hiện theo quy định tại Thông tư 40/2015/TT-BYT.
Đối với các trường hợp người bị tai nạn giao thông hoặc người bệnh cần sự cứu trợ khẩn cấp về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế thì cơ sở khám, chữa bệnh có quyền thu phí hoạt động vận chuyển người bệnh, chi phí sơ cứu, cấp cứu, khám chữa bệnh.