Cho tôi hỏi khi các tàu, thuyền nước ngoài di chuyển trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thì bị cấm thực hiện những hành vi gì? Việt Nam có quyền truy bắt các đối tượng vi phạm không? - Thu Hương (Thanh Hóa)
- 05 bộ phận của vùng biển Việt Nam
- Danh mục chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên vùng biển Việt Nam
- 04 bước xác định khu vực nhấn chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam
- Ý nghĩa của Luật Biển Việt Nam?
1. Vùng cấm và khu vực hạn chế hoạt động trong lãnh hải
Theo quy định tại Điều 26 Luật Biển Việt Nam 2012, để bảo vệ chủ quyền, quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia hoặc an toàn hàng hải, bảo vệ tài nguyên, sinh thái biển, chống ô nhiễm, khắc phục sự cố, thảm họa môi trường biển, phòng chống lây lan dịch bệnh, Chính phủ thiết lập vùng cấm tạm thời hoặc vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải Việt Nam.
- Việc thiết lập vùng cấm tạm thời hoặc vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải Việt Nam theo quy định nêu trên phải được thông báo rộng rãi trong nước và quốc tế trong “Thông báo hàng hải”, theo tập quán hàng hải quốc tế, chậm nhất là 15 ngày trước khi áp dụng hoặc thông báo ngay sau khi áp dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Những hành vi nghiêm cấm thực hiện trong vùng biển Việt Nam (Hình từ Internet)
2. Quy định cấm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam
Điều 37 Luật Biển Việt Nam 2012 quy định khi thực hiện quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tổ chức, cá nhân không được tiến hành các hoạt động sau đây:
- Đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Việt Nam;
- Khai thác trái phép tài nguyên sinh vật, đánh bắt hải sản trái phép;
- Khai thác trái phép dòng chảy, năng lượng gió và tài nguyên phi sinh vật khác;
- Xây dựng, lắp đặt, sử dụng trái phép các thiết bị, công trình nhân tạo;
- Khoan, đào trái phép;
- Tiến hành nghiên cứu khoa học trái phép;
- Gây ô nhiễm môi trường biển;
- Cướp biển, cướp có vũ trang;
- Các hoạt động bất hợp pháp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.
3. Cấm tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí, chất nổ, chất độc hại
Theo Điều 38 Luật Biển Việt Nam 2012, khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam, tàu thuyền, tổ chức, cá nhân không được tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí hoặc chất nổ, chất độc hại cũng như các loại phương tiện thiết bị khác có khả năng gây hại đối với người, tài nguyên và ô nhiễm môi trường biển.
4. Cấm mua bán người, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy
Việc cấm mua bán người, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy quy định tại Điều 39 Luật Biển Việt Nam 2012, cụ thể:
- Khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam, tàu thuyền, tổ chức, cá nhân không được mua bán người, vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép các chất ma túy.
- Khi có căn cứ về việc tàu thuyền, tổ chức, cá nhân đang mua bán người hoặc vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép các chất ma túy thì lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển của Việt Nam có quyền tiến hành khám xét, kiểm tra, bắt giữ, dẫn giải về các cảng, bến hay nơi trú đậu của Việt Nam hoặc dẫn giải, chuyển giao đến các cảng, bến hay nơi trú đậu của nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để xử lý.
5. Cấm phát sóng trái phép
Điều 40 Luật Biển Việt Nam 2012 quy định khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam, tàu thuyền, tổ chức, cá nhân không được phát sóng trái phép hoặc tuyên truyền, gây phương hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam.
Điều 41 Luật Biển Việt Nam 2012 quy định về quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài như sau: - Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam nếu các tàu thuyền này đang ở trong nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam. Quyền truy đuổi được tiến hành sau khi lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển đã phát tín hiệu yêu cầu tàu thuyền vi phạm hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật dừng lại để tiến hành kiểm tra nhưng tàu thuyền đó không chấp hành. Việc truy đuổi có thể được tiếp tục ở ngoài ranh giới của lãnh hải hay vùng tiếp giáp lãnh hải Viêt Nam nếu được tiến hành liên tục, không ngắt quãng. - Quyền truy đuổi cũng được áp dụng đối với hành vi vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm trong phạm vi vành đai an toàn và trên các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. - Việc truy đuổi của các lực lượng tuần tra, kiểm soát Việt Nam chấm dứt khi tàu thuyền bị truy đuổi đi vào lãnh hải của quốc gia khác. |
Như Mai