Những điểm mới cần lưu ý trong Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa

Ngày 17/6/2014 Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa (Luật sửa đổi bổ sung) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015. Luật sửa đổi bổ sung gồm 3 Điều, trong đó Điều 1 gồm 25 khoản, Điều 2 gồm 10 khoản và Điều 3 gồm 3 khoản. Như vậy, trải qua hơn 9 năm thực hiện Luật giao thông đường thủy nội địa, đến nay luật đã được sửa đổi và bổ sung theo hướng hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn của giao thông đường thủy nội địa nước ta. Luật sửa đổi bổ sung đã quy định rõ hơn về hoạt động giao thông đường thủy nội địa; phát triển giao thông đường thủy nội địa; cảng, bến thủy nội địa; điều kiện hoạt động của phương tiện; phương tiện phải đăng ký lại; phương tiện nhập khẩu; đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng; đảm nhiệm chức danh máy trưởng; tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa.

Luật sửa đổi bổ sung có 87 điểm thay đổi, bổ sung so với Luật Giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ), trong đó tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất: Mở rộng đối tượng và phạm vi điều chỉnh

Luật quy định rõ hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa gồm hoạt động của người, phương tiện tham gia giao thông, vận tải trên đường thủy nội địa; quy hoạch phát triển, xây dựng, khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa; cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa và quản lý nhà nước về giao thông đường thuỷ nội địa. Như vậy, luật đã bổ sung hoạt động cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy vào điều chỉnh của luật.

Đồng thời để nâng cao ý thức pháp luật của người tham gia giao thông đường thủy nội địa nói chung, cũng như tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động giao thông đường thủy trong vùng nước nội thủy, Luật sửa đổi bổ sung lần này đã mở rộng đối tượng và phạm vi điều chỉnh, theo đó ngoài việc quy định về hoạt động giao thông đường thủy nội địa, các điều kiện bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa đối với kết cấu hạ tầng, phương tiện và người tham gia giao thông, vận tải đường thủy nội địa; luật còn mở rộng phạm vi điều chỉnh đến các hoạt động của phương tiện ngoài phạm vi luồng và trên vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải.

Cụ thể, bổ sung Điều 101a như sau: Hoạt động của phương tiện ngoài phạm vi luồng và vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải phải tuân theo quy định của Luật này về phương tiện thủy nội địa; thuyền viên, người lái phương tiện; quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện; vận tải đường thủy nội địa; tai nạn giao thông đường thủy nội địa và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa và quy định của pháp luật có liên quan. Và giao: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức cảnh báo tại khu vực nguy hiểm đối với hoạt động của phương tiện ngoài phạm vi luồng và vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải.

Thứ hai: Chính sách phát triển giao thông đường thủy nội địa.

Luật GTĐTNĐ năm 2004, tại Điều 5 đã quy định về chính sách phát triển giao thông đường thủy nội địa, trong đó nhấn mạnh mục tiêu của Nhà nước là ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội  địa trên các tuyến giao thông trọng điểm và khuyến khích tạo điều kiện thu hút đầu tư của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa một cách bền vững.

Phát huy tinh thần đó, trên cơ sở đánh giá tổng thể về đặc điểm điều kiện tự nhiên của nước ta cũng như thực tế hoạt động giao thông đường thủy nội địa vẫn đang diễn ra trên các vùng nước chưa được quản lý, khai thác giao thông vận tải; Luật sửa đổi bổ sung đã cụ thể về nguyên tắc hoạt động giao thông đường thủy nội địa theo mục tiêu là Phát triển giao thông đường thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường thủy nội địa theo hướng hiện đại, đồng bộ về luồng, tuyến, cảng, bến, công nghệ quản lý, xếp dỡ hàng hóa; bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển vận tải đường thủy nội địa phải kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác.(Khoản 3 Điều 4).

Thứ ba: Quy định về kết cấu hạ tầng và cảng, bến thủy nội địa

Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung, làm rõ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa gồm: đường thủy nội địa; hành lang bảo vệ luồng; cảng, bến thủy nội địa; khu neo đậu ngoài cảng; kè, đập giao thông, báo hiệu đường thủy nội địa và các công trình phụ trợ khác. Và để đảm bảo an toàn ở mức cao cho phạm vi bảo vệ luồng chạy tàu thuyền, luật mới đã bổ sung thêm trách nhiệm của chủ công trình hoặc đại diện chủ công trình thủy lợi, thủy điện khi vận hành phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa.

Nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động giao thông vận tải đường thủy, đảm bảo kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác, luật mới đã quy định chi tiết hơn về cảng bến thủy nội địa (Điều 13). Trong đó, quy định cụ thể cảng thủy nội địa có vùng đất và vùng nước cảng. Vùng đất cảng được giới hạn để xây dựng cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước, lắp đặt thiết bị và công trình phụ trợ khác.Vùng nước cảng được giới hạn để thiết lập vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu hạ tải, khu tránh bão. Đồng thời, chia cảng thành 03 loại: I, II, III; quy định chi tiết hơn việc phân loại bến thủy nội địa gồm: bến hàng hóa, bến hành khách, bến tổng hợp, bến khách ngang sông, bến chuyên dùng, để phân cấp quản lý được chặt chẽ hơn.

Thứ tư: Quản lý phương tiện thủy nội địa, thuyền viên và người lái phương tiện thủy nội địa

Cũng như Luật GTĐTNĐ 2004, Luật sửa đổi, bổ sung vẫn chia phương tiện thủy thành 4 nhóm để quản lý. Tuy nhiên, việc phân loại đã sát hợp hơn, không chỉ đảm bảo triệt để phân cấp quản lý, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đăng ký, đăng kiểm, điều tra, xử lý vi phạm hành chính...

Luật sửa đổi bổ sung bỏ quy định phải đăng kiểm đối với các phương tiện loại nhỏ không có động cơ trọng tải từ 5 tấn đến dưới 15 tấn do đây là các phương tiện thô sơ, có trọng tải không lớn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn của phương tiện và tăng cường sự quản lý nhà nước, các phương tiện này phải bảo đảm các điều kiện an toàn khi hoạt động trên đường thủy nội địa theo quy định và phải đăng ký. Bổ sung quy định “phương tiện phải bảo đảm còn niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ”. Đối với phương tiện nhập khẩu còn“phải bảo đảm niên hạn sử dụng của phương tiện được phép nhập khẩu theo quy định của Chính phủ”. Mục đích của các quy định này là nhằm nâng cao điều kiện an toàn giao thông của phương tiện và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định chi tiết các điều kiện an toàn đối với các loại phương tiện không thuộc diện phải đăng kiểm.

Qua tổng kết 9 năm thực hiện Luật GTĐTNĐ năm 2004 cho thấy tỷ lệ phương tiện được đăng ký còn thấp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thực tế việc tổ chức đăng ký phương tiện tại cấp tỉnh, cấp huyện đã gây khó khăn cho các chủ phương tiện nhất là ở các địa phương có địa bàn rộng, đi lại còn khó khăn. Để khắc phục tình trạng trên, Luật sửa đổi, bổ sung đã   thay cụm từ “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” bằng cụm từ “Ủy ban nhân dân các cấp” tại khoản 8 Điều 25, theo đó quy định “Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức đăng ký phương tiện thủy nội địa theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và tổ chức quản lý phương tiện được miễn đăng ký”.

Đối với thuyền viên và người lái phương tiện, luật mới đã thay đổi thuật ngữ “bằng” thành “giấy chứng nhận khả năng chuyên môn” có thời hạn 05 năm và chia thành 04 hạng (khác với 03 hạng trước đây) đối với giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng. Sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện dự thi nâng hạng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng; đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng, máy trưởng theo hướng Luật chỉ quy định một số nội dung mang tính nguyên tắc và giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an theo phạm vi quản lý nhà nước về đường thủy nội địa của Bộ mình, quy định chi tiết, tương tự như Bộ luật hàng hải Việt Nam và Luật hàng không dân dụng Việt Nam, Luật giao thông đường bộ, để bảo đảm tính linh hoạt thích ứng kịp thời với điều kiện thực tế.

Luật sửa đổi, bổ sung đã bỏ quy định giới hạn độ tuổi của người lái phương tiện để phù hợp với điều kiện thực tế, theo đó chỉ quy định điều kiện là “Đủ 18 tuổi trở lên”. Đồng thời bổ sung thêm Điều 35a quy định về “Trình báo đường thủy nội địa” trên cơ sở tham khảo quy định kháng nghị hàng hải trong Bộ luật hàng hải Việt Nam nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ phương tiện và người có liên quan khi phương tiện, người hoặc hàng hóa vận chuyển trên phương tiện bị tổn thất hoặc nghi ngờ có tổn thất do gặp tai nạn, sự cố.

Ngoài ra, nhằm giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động vận tải đường thủy nội địa Luật cũng quy định về trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho người thứ ba đối với các chủ phương tiện, người kinh doanh hàng hóa, người kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách. Đồng thời để tạo cơ sở pháp lý điều chỉnh đối với việc thuê phương tiện thuỷ nội địa (là hoạt động thường diễn ra trong thực tế giao thông thuỷ nội địa), Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định thêm Điều 98a về “Thuê phương tiện” trong đó quy định rõ về hình thức thuê phương tiện, trách nhiệm của chủ phương tiện và người thuê phương tiện.

Thứ năm: Về tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thuỷ nội địa

Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung 01 chương là Chương VIIa quy định về: Tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thuỷ nội địa, gồm 02 mục và 06 điều. Trong đó có những chế định cụ thể về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thuỷ nội địa là hoạt động mang tính chất nhân đạo, bắt buộc các tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện. Hoạt động cứu hộ đường thuỷ nội địa (là hoạt động mang tính dịch vụ đang diễn ra trong thực tế nhưng chưa được điều chỉnh bởi Luật GTĐTNĐ năm 2004) quy định được thực hiện trên cơ sở thoả thuận giữa bên cứu hộ và bên được cứu hộ; nghĩa vụ các bên trong việc cứu hộ giao thông đường thuỷ nội địa.

Thứ sáu: Một số vấn đề khác

Để giải quyết những khó khăn, vước mắc trong công tác theo dõi, thống kê, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy, Luật sửa đổi bổ sung đã đưa ra khái niệm về tai nạn giao thông đường thủy nội địa là tai nạn xảy ra trên đường thủy nội địa, trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa do đâm va hoặc sự cố liên quan đến phương tiện, tàu biển, tàu cá gây thiệt hại về người, tài sản, cản trở hoạt động giao thông hoặc gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời đã sửa đổi một số quy định về tín hiệu của phương tiện để phù hợp Quy tắc quốc tế phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển năm 1972, nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan có cơ sở thực hiện trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và quy hoạch, đầu tư phát triển giao thông vận tải, Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung 01 điều (Điều 98h) quy định về “Nội dung quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa”, tương tự Luật giao thông đường bộ năm 2008.

Luật Sửa đổi bổ sung một số điều Luật giao thông đường thủy nội địa năm 2014 là một bước tiến mới trong tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật giao thông đường thủy nội địa nói riêng, góp phần đưa hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa được thông suốt, an toàn và đạt hiệu quả cao.

Nguồn: Cục cảnh sát giao thông

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
657 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;