Luật hàng không dân dụng là một nhánh luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Các quy định của Luật này tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không dân dụng Việt Nam và chung tay xây dựng một môi trường hàng không quốc tế lành mạnh. Bên cạnh đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hàng không dân dụng, đề cao việc bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.
Luật hàng không dân dụng Việt Nam hiện hành (số 66/2006/QH11) được Quốc hội thông qua năm 2006 và đã được sửa đổi bổ sung năm 2014 (Số: 61/2014/QH13).
Đối tượng áp dụng
Theo điều 2 Luật hàng không dân dụng Việt Nam, đối tượng áp dụng của Luật này được căn cứ theo lãnh thổ và quốc tịch, bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động hàng không dân dụng tại Việt Nam hoặc hoạt động hàng không dân dụng ở vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động hàng không dân dụng ở nước ngoài, nếu pháp luật của nước ngoài không có quy định khác.
Phạm vi điều chỉnh
Căn cứ vào khoản 1 điều 1 Luật hàng không dân dụng 2006: “Luật này quy định về hoạt động hàng không dân dụng, bao gồm các quy định về tàu bay, cảng hàng không, sân bay, nhân viên hàng không, hoạt động bay, vận chuyển hàng không, an ninh hàng không, trách nhiệm dân sự, hoạt động hàng không chung và các hoạt động khác có liên quan đến hàng không dân dụng”.
Nội dung khái quát
- Những quy định chung về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các nguyên tắc cơ bản, hoạt động quản lý nhà nước và một số điều có liên quan.
- Quy định về tàu bay: đầu tiên là xác định quốc tịch, tiêu chuẩn và vấn đề về khai thác tàu bay. Tiếp đó là những quyền dân sự đối với tàu bay; hoạt động thuê, cho thuê tàu bay; đình chỉ chuyến bay; tạm giữ, bắt giữ tàu bay.
- Quy định về cảng hàng không, sân bay: ngoài những quy định chung mang tính chỉ dẫn thì Luật này còn quy định về việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lí nhà nước và khai thác hãng hàng không, sân bay.
- Quy định chi tiết về nhân viên hàng không: cụ thể là các thành phần, chứng chỉ hành nghề và nguyên tắc trong công việc.
- Quy định về hoạt động bay: bao gồm việc quản lý và đảm bảo các hoạt động bay. Ngoài việc phòng tránh rủi ro, thì nội dung còn quy định về việc xử lý rủi ro trong quá trình hoạt động của tàu bay.
- Hoạt động vận chuyển hàng không: bao gồm quy định về doanh nghiệp vận chuyển hàng không và khai thác vận chuyển hàng không. Ngoài ra, dựa vào đối tượng được vận chuyển, những điều khoản trong Luật này quy định rất rõ về việc phân loại vận chuyển hàng không.
Cũng như các luật khác, luật hàng không dân dụng quy định rất cụ thể về trách nhiệm dân sự và bồi thường thiệt hại. Đây là cơ sở để giải quyết tranh chấp của các bên tham gia. Quy định về anh ninh hàng không và một số quy định khác về hoạt động hàng không chung.
Nguồn: tinnganphapluat.com