Nên hay không tách Luật Giao thông đường bộ thành hai?

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV vẫn đang diễn ra với nhiều Dự án Luật được thảo luận. Một trong những vấn đề đang được tranh cãi nhiều nhất giữa các Đại biểu Quốc hội đó là nên hay không tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ?

Luật Giao thông đường bộ

Nên hay không tách Luật Giao thông đường bộ thành hai? (Ảnh minh họa)

1. Sự cần thiết phải xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)

Tại tờ trình Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ Giao thông vận tải đã giải trình cụ thể sự cần thiết phải xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), cụ thể như sau:

  • Về quy tắc giao thông: Tại Luật GTĐB 2008 chưa được hiểu thống nhất dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là khi giải quyết các vụ án liên quan đến ATGT đường bộ như sử dụng làn đường, lùi xe, dừng, đỗ,…

  • Về kết cầu hạ tầng: Chưa đầy đủ và đồng bộ, hệ thống đường tỉnh còn thiếu vốn đầu tư xây dựng, chất lượng còn hạn chế, đường giao thông nông thôn còn khó khăn, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế do vướng mắc về cơ chế chính sách chưa đầy đủ, thiếu nhất quán, ổn định,…

  • Về quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ: Chưa có khung pháp lý cho các phương tiện giao thông thông minh, phương tiện lưỡng tính có thể di chuyển cả trên đường bộ và đường thủy hoặc hàng không; Luật GTĐB 2008 chỉ quy định cấp GPLX cho người điều khiển xe dùng động cơ nhiệ mà không yêu cầu GPLX cho người điều khiển loại xe tương tự là chưa phù hợp, tạo lỗ hổng trong quản lý nhà nước.

  • Về vận tải đường bộ: Việc phâ loại hình kinh doanh vận tải hiện nay là chưa phù hợp thực tế, gây ra khó khăn trong công tác quản lý cũng như gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình có hoạt động tương tự nhau,…

  • Công tác xử lý vi phạm về giao thông đường bộ: Các hành vi vi phạm quy tắc giao thông, người điều khiển phương tiện như điều khiển xe không có GPLX, đi không đúng làn đường, phần đường, đi vào đường cao tốc, chở quá khổ quá tải, xâm phạm công trình giao thông, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè,… còn phổ biến và phức tạp,…

Có thể thấy, thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đặc biệt, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là xuất phát từ Luật Giao thông đường bộ 2008 đã được áp dụng hơn 10 năm và không còn theo kịp với sự phát triển của kinh tế - xã hội và thực tiễn đặt ra trong công tác quản lý giao thông đường bộ hiện nay nữa.

Như vậy, để bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông; phân công chặt chẽ, phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan chức năng, đồng thời phát triển kết cấu hạ tấng giao thông đường bộ an toàn thuận lợi và hiện đại hòa thì việc xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là hết sức cần thiết.

2. Ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là thiết yếu

Có thể thấy Luật Giao thông đường bộ 2008 có phạm vi điều chỉnh gồm 02 lĩnh vực:

  • Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, với mục tiêu là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo đảm an ninh con người;

  • Xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn kỹ thuật công trình giao thông.

Thực trạng cho thấy trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang diễn biến rất phức tạp, vi phạm xảy ra phổ biến, nguyên nhân chủ yếu một mặt là do cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa bảo đảm, mặt khác là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người dân đang đáng báo động. 

Theo đó, đối tượng điều chỉnh cơ bản và lớn nhất Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo vệ quyền con người, bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, pháp luật của nhiều nước trên thế giới cũng đều có luật chuyên biệt về trật tự, an toàn giao thông, tách bạch với quy định về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ được quy định trong luật về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, luật về vận tải đường bộ.

Như vậy, việc ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là hết sức cần thiết để giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra, hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đặc biệt, Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

3. Nên hay không tách Luật Giao thông đường bộ thành hai?

Từ những đánh giá thực tế và phân tích nêu trên, có thể thấy Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đều cần thiết để giải quyết những vấn đề hiện nay. Tuy nhiên, việc tiếp tục tích hợp 02 nội dung này trong Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) hay tách thành 02 luật vẫn chưa có quyết định cuối cùng và đang còn tranh cãi gay gắt.

Có ý kiến cho rằng "Tách thành 2 luật là không ổn tí nào. Cần giữ nguyên như hiện nay và rà soát, bổ sung để tăng cường nâng cao những gì làm được; cái gì đang vướng thì sửa cho tốt hơn. Nếu tách, nó giống như ta chữa lợn lành thành lợn què. Con lợn có 4 chân, giờ phải xẻ thành 2 con lợn, mỗi con có 2 chân thì nó không còn là lợn nữa”.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng “Với việc xây dựng độc lập Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực là bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ”.

Ngay khi có quyết định chính thức của Quốc hội, THƯ KÝ LUẬT sẽ thông tin ngay đến Quý Khách hàng và Thành viên.

>>> Xem thêm: 06 điểm chồng chéo giữa 02 dự thảo luật về giao thông đường bộ.

Lê Vy

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
720 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;