Xin cho tôi hỏi phạm vi bảo vệ công trình hàng hải trong một số trường hợp đặc biệt được xác định như thế nào? - Gia Huy (Đà Nẵng)
Hướng dẫn xác định phạm vi bảo vệ công trình hàng hải trong một số trường hợp đặc biệt (Hình từ Internet)
1. Công trình hàng hải là gì?
Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 143/2017/NĐ-CP, công trình hàng hải bao gồm bến cảng, cầu cảng, cảng dầu khí ngoài khơi, bến phao, luồng hàng hải, vũng quay tàu, báo hiệu hàng hải, hệ thống hỗ trợ hàng hải, đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng, kè bảo vệ bờ được đầu tư xây dựng hoặc thiết lập trong vùng nước cảng biển và vùng biển của Việt Nam
2. Hướng dẫn xác định phạm vi bảo vệ công trình hàng hải trong một số trường hợp đặc biệt
Cụ thể tại Điều 6 Nghị định 143/2017/NĐ-CP trong một số trường hợp đặc biệt, phạm vi bảo vệ công trình hàng hải được xác định như sau:
- Trường hợp phạm vi bảo vệ công trình hàng hải trùng với phạm vi bảo vệ các công trình phòng, chống lụt, bão, bảo vệ đê thì thực hiện theo quy định có liên quan của pháp luật về phòng, chống lụt, bão, pháp luật về đê điều.
- Trường hợp phạm vi bảo vệ luồng hàng hải trùng với hành lang an toàn đường bộ, đường sắt hoặc vượt qua mép bờ tự nhiên về phía bờ thì phạm vi bảo vệ luồng hàng hải được xác định đến mép bờ tự nhiên.
- Trường hợp phạm vi bảo vệ công trình hàng hải trùng với hành lang an toàn đường thủy nội địa thì phạm vi bảo vệ luồng hàng hải được xác định đến phạm vi hành lang an toàn đường thủy nội địa.
- Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ công trình hàng hải trùng với hành lang an toàn cầu đường bộ, cầu đường sắt, đường dây điện, cáp treo thì thực hiện theo quy định có liên quan về bảo vệ hành lang an toàn cầu, đường dây điện, cáp treo.
- Trường hợp phạm vi bảo vệ luồng hàng hải trùng với phạm vi bảo vệ công trình bến cảng, cầu cảng thì phạm vi bảo vệ luồng hàng hải được xác định đến phạm vi bảo vệ công trình bến cảng, cầu cảng.
- Đối với công trình cảng biển xếp dỡ hàng chuyên dùng, công trình chỉnh trị thì hành lang an toàn tối thiểu phải được thực hiện theo quy định tại Nghị định 143/2017/NĐ-CP, đồng thời khoảng cách an toàn vẫn phải tuân thủ theo các quy định có liên quan đối với công trình cầu cảng xếp dỡ hàng chuyên dùng hoặc công trình chỉnh trị có liên quan.
- Trường hợp phạm vi bảo vệ công trình hàng hải liên quan đến công trình an ninh, quốc phòng liền kề phải có ý kiến thống nhất của Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng.
- Trường hợp phạm vi bảo vệ công trình hàng hải trùng với phạm vi bảo vệ hành lang bờ biển thì phạm vi bảo vệ luồng hàng hải được xác định đến phạm vi hành lang an toàn bờ biển.
3. Các hành vi bị cấm trong bảo vệ công trình hàng hải
Khi bảo vệ công hàng hải, cá nhân, tổ chức bị cấm thực hiện các hành vi sau đây:
- Xếp, chứa các chất dễ cháy nổ, các chất nguy hại trái quy định có khả năng gây ăn mòn hoặc hư hỏng công trình hàng hải khi chưa được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Thải các chất thải làm hư hại, ảnh hưởng đến độ bền và tuổi thọ của công trình hàng hải.
- Nạo vét trái phép trên luồng hàng hải, phạm vi bảo vệ luồng hàng hải, vùng nước cảng biển hoặc nạo vét không đúng yêu cầu kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; thực hiện giám sát nạo vét và đổ bùn đất nạo vét không đúng quy định.
- Thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản, cắm đăng đáy, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản trong luồng hàng hải và phạm vi bảo vệ công trình hàng hải.
- Lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình hàng hải.
- Thực hiện các hành vi gây cản trở việc quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ công trình hàng hải.
- Điều khiển tàu thuyền và phương tiện khác sai quy định gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình hàng hải.
- Các hành vi khác làm ảnh hưởng đến an toàn trong quản lý, khai thác công trình hàng hải.
- Các hành vi khác bị cấm theo quy định của pháp luật.
(Điều 4 Nghị định 143/2017/NĐ-CP)
Thanh Rin