Gặp CSGT mặc thường phục: Lưu ý những điều này để không bị phạt oan

Pháp luật quy định CSGT có quyền mặc thường phục trong khi đang thực hiện nhiệm vụ, lợi dụng điều này nhiều đối tượng đã giả danh và tự xưng là CSGT để bắt và xử phạt người tham gia giao thông. Để tránh bị phạt oan và có cách ứng xử phù hợp nhất khi rơi vào trường hợp này, các bạn cần lưu ý một số điều sau đây:

 

Thứ nhất, mọi người có quyền kiểm tra giấy tờ của CSGT mặc thường phục

Điều 10 Thông tư 45/2012/TT-BCA quy định trách nhiệm của cán bộ trong quản lý, sử dụng biển hiệu, giấy chứng nhận như sau:

“Phải mang theo Giấy chứng nhận khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ và xuất trình khi có yêu cầu;

Phải đeo biển hiệu khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Biển hiệu được đeo chính giữa phía trên nắp túi áo ngực bên trái (đối với cán bộ là nam), chính giữa ngực bên trái và ngang bằng cúc áo thứ nhất từ trên xuống (đối với cán bộ là nữ) và có giá trị thay thế số hiệu công an nhân dân.”

Do đó, nếu bị CSGT mặc thường phục bắt dừng xe, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu CSGT mặc thường phục xuất trình giấy tờ chứng minh, chứng nhận là CSGT, ví dụ như phải xuất trình thẻ ngành Công an nhân dân.

Thứ hai, CSGT mặc thường phục luôn thực hiện nhiệm vụ cùng bộ phận CSGT công khai

Hiện nay, chưa có bất kì quy định nào cho phép CSGT mặc thường phục thực hiện nhiệm vụ một cách độc lập và riêng lẻ. Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định CSGT hóa trang (mặc thường phục) chỉ được thực hiện nhiệm vụ khi kết hợp cùng với CSGT tuần tra, kiểm soát công khai và phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được cấp có thẩm quyền phê duyệt; điều kiện tuần tra kiểm soát được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 9 như sau

3. Điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang:

a) Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được người có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này phê duyệt. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát;

b) Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong Tổ để hóa trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật;

Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một Tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật;

c) Nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang để sách nhiễu, gây phiền hà, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Như vậy, nếu trường hợp bạn không có khả năng phân biệt thẻ ngành CAND là thật hay giả như ở lưu ý thứ nhất, bạn có thể quan sát xem liệu đi cùng với CSGT mặc thường phục còn có bộ phận CSGT công khai hay không? Nếu có thì bạn hoàn toàn có thể tin tưởng CSGT mặc thường phục đang làm việc với bạn không phải là “hàng giả”.

Thứ ba, CSGT mặc thường phục không có thẩm quyền xử phạt về vi phạm giao thông

Điểm b Khoản 3 Điều 9 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định:

b) Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong Tổ để hóa trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật;

Theo đó, không có quy định nào cho phép CSGT mặc thường phục được quyền xử phạt người tham gia giao thông. Trường hợp phát hiện vi phạm, CSGT mặc thường phục có quyền dừng xe và phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành xử phạt theo quy định. Nếu kẻ giả danh CSGT vẫn cố tình xử lý vi phạm và xử phạt đối với bạn, cách tốt nhất là bạn hãy yêu cầu cùng người đó về trụ sở của CSGT để giải quyết hoặc gọi đến đường dây nóng của CSGT để báo cáo sự việc.

Hi vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho các bạn khi tham gia giao thông!

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
4475 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;