Khi tham gia giao thông, thường không tránh khỏi những lúc bị CSGT tuýt còi. Thế nên, các bác tài cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để “lúc phạt đúng” thì nghiêm chỉnh chấp hành, lúc “có tiêu cực” thì lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của mình.
- Cảnh sát giao thông có được phép mặc thường phục khi bắn tốc độ?
- CSGT không phải chào người vi phạm trong những trường hợp nào?
CSGT có quyền dừng xe để kiểm tra giấy tờ khi không phát hiện lỗi? (Ảnh minh hoạ)
Bài viết dưới đây THƯ KÝ LUẬT sẽ giải đáp 02 vấn đề mà tài xế thường hay thắc mắc: CSGT có quyền dừng xe để kiểm tra giấy tờ khi không phát hiện lỗi? Mức phạt với hành vi không có/không mang theo giấy tờ xe?
1. CSGT có quyền dừng xe để kiểm tra giấy tờ khi không phát hiện lỗi?
Theo quy định tại Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA, cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong 04 trường hợp sau:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
- Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Như vậy, Cảnh sát giao thông được quyền yêu cầu dừng xe của chủ phương tiện để kiểm tra giấy tờ khi có những căn cứ nêu trên, nhưng nếu xử phạt thì CSGT phải chứng minh được lỗi vi phạm của người tham gia giao thông (Điểm đ Khoản 1 Điều 3 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).
2. Mức phạt với hành vi không có/không mang theo giấy tờ xe
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 58 Luật giao thông đường bộ 2008 thì:
2. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
a) Đăng ký xe;
b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;
c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;
d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Theo đó, khi điều khiển phương tiện giao thông, người lái xe bắt buộc phải mang theo giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (gọi chung là giấy tờ xe).
Đối với hành vi không có/không mang theo các loại giấy tờ xe nêu trên sẽ chịu mức phạt như sau:
Thứ nhất, đối với xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, tước Bằng lái xe từ 01 - 03 tháng đối với hành vi “Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc)” (Điểm a Khoản 4 Nghị định 100/2019/NĐ-CP);
- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi “không mang theo Giấy phép lái xe; không mang theo Giấy đăng ký xe; Không mang theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) (Khoản 3 Điều 21 Nghị định 100);
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi “không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực” (Khoản 4 Điều 21 Nghị định 100);
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi “Điều khiển xe có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) (Điểm c Khoản 4 Điều 16 Nghị định 100);
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi “Điều khiển xe không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) (Điểm e Khoản 5 Điều 16 Nghị định 100).
Thứ hai, đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:
- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi “Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng” (Điểm a Khoản 2 Điều 17 Nghị định 100).
- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực; không mang theo Giấy đăng ký xe; không mang theo Giấy phép lái xe (Khoản 2 Điều 21 Nghị định 100).
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô với hành vi “Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa” (Điểm a khoản 5 Điều 21);
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với “Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực” (Điểm b Khoản 4 Điều 21 Nghị định 100).
Thu Ba