Thời gian vừa qua, khi lưu thông trên đường phố tại TP. HCM không khó để chúng ta bắt gặp những chiếc xe ô tô sặc sỡ, dán đầy logo, hình vẽ để quảng cáo cho các sản phẩm đủ lĩnh vực. Tuy nhiên, việc dán decal quảng cáo các sản phẩm kín xe ô tô dưới góc nhìn pháp luật thế nào thì không phải ai cũng biết.
Có được dán decal quảng cáo kín xe ô tô? (Ảnh minh họa)
Việc nhìn thấy các quảng cáo trên các phương tiện giao thông là một cách để đưa thông tin sản phẩm đến người dùng. Tuy nhiên, việc dán decal quảng cáo trên xe phải tuân thủ quy định của pháp luật Viêt Nam, tránh quảng cáo lòe loẹt, kín xe gây mất tập trung cho những người tham gia giao thông, dẫn đến tai nạn giao thông.
Theo quy định của Luật Quảng cáo 2012 thì việc quảng cáo trên các phương tiện giao thông đường bộ không cần phải thực hiện thủ tục để xin giấy phép quảng cáo, tuy nhiên phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật về giao thông. Theo đó, không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông. Việc thể hiện biểu trưng, lô-gô, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông.
Mặt khác, tại khoản 2 Điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy, pháp luật Việt Nam có quy định hạn chế tỷ lệ diện tích được thể hiện của tranh, ảnh, hình quảng cáo trên mỗi mặt của phương tiện giao thông không quá 50%. Việc các xe ô tô lưu thông trên đường phố được dán kín bởi decal thể hiện hình ảnh quảng cáo là đang vi phạm quy định của pháp luật. Đồng thời việc chủ xe đồng ý dán kín mít các cửa sổ xe chỉ chừa lại phần kính phía trước lái xe còn có thể bị xem là hành vi tự ý thay đổi thiết kế xe của nhà thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Việc xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo trên phương tiện giao thông hiện nay được thực hiện theo quy định tại Khoản 49 Điều 1 Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi Điều 61 Nghị định 131/2013/NĐ-CP. Theo đó, người thực hiện hành vi quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.