Cần biết: Người dân chỉ bị phạt lỗi “xe không chính chủ” trong 02 trường hợp

Theo quy định hiện hành, CSGT khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát không được phạt lỗi “xe không chính chủ” khi người điều khiển đi xe người khác. Thay vào đó, người khiển xe chỉ bị phạt lỗi “xe không chính chủ” nếu thuộc một trong 2 trường hợp dưới đây.

xe không chính chủ

Cần biết: Người dân chỉ bị phạt lỗi “xe không chính chủ” trong 02 trường hợp (Ảnh minh họa)

Hiện nay, theo quy định của pháp luật không có quy định nào quy định về lỗi “xe không chính chủ”. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư 58/2020/TT-BCA  và khoản 4, khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, có thể hiểu lỗi “xe không chính chủ” chính là hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.

Theo đó, tại điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định việc xử phạt đối với hành vi xe không chính chủ chỉ áp dụng đối với người điều khiển phương tiện là chủ xe mô tô, xe máy, xe ô tô và các loại xe tương tự, tức phải là chủ sở hữu của phương tiện.

Đồng thời, tại khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

“10. Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe.”

Như vậy, theo quy định trên, có thể thấy, Cảnh sát giao thông khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường hoặc khi tiến hành kiểm tra giấy tờ xe sẽ không xác minh và xử phạt hành vi vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (xe không chính chủ) đối với người điều khiển phương tiện là chủ xe mô tô, xe máy, xe ô tô và các loại xe tương tự. Mà thay vào đó, lỗi “xe không chính chủ” chỉ bị xử phạt nếu được xác minh để phát hiện hành vi vi phạm trong 02 trường hợp:

  • Thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông;

  • Qua công tác đăng ký xe.

Do đó, thông qua 02 trường hợp nêu trên, nếu chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe bị xử phạt sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể:

Đối với hành vi vi phạm không làm thủ tục sang tên xe máy sẽ bị phạt:

  • Cá nhân bị phạt từ 400.000 – 600.000 đồng.

  • Tổ chức bị phạt từ 800.000 – 1.200.000 đồng.

Đối với hành vi vi phạm không làm thủ tục sang tên ô tô sẽ bị phạt:

  • Cá nhân bị phạt từ 2.000.000 đồng - 4.000.000 đồng.

  • Tổ chức bị phạt từ 4.000.000 đồng 8.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, ngoài bị phạt tiền cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị buộc làm thủ tục đăng ký xe, đăng ký sang tên, đổi lại, thu hồi Giấy đăng ký xe, biển số xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định (trừ trường hợp bị tịch thu phương tiện) để khắc phục hậu quả.

Ty Na

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1267 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;