Từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực đã góp phần làm giảm số vụ TNGT do sử dụng rượu, bia gây ra. Bên cạnh đó, việc tăng mạnh thời gian tước GPLX cũng khiến nhiều người e ngại. Tuy nhiên, một số người tỏ ra “khôn ngoan” khi thực hiện báo mất GPLX để được cấp lại, dẫn đến tình trạng một người có nhiều GPLX hoặc “nhờn” quy định của pháp luật. Vậy Nhà nước có cách nào để xử lý tình trạng trên hay không?
- Dân Luật cần biết những bí kíp này để uống rượu, bia đúng Luật
- Điều khiển xe ô tô, xe máy quá bẩn có thể bị phạt đến 01 triệu đồng?
Ảnh minh họa
Đầu tiên, phải khẳng định hành vi khai báo không trung thực, gian dối để được cấp lại Giấy phép lái xe là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi đó nếu phát hiện sẽ bị phạt tiền tối đa lên đến 5.000.000 đồng.
Cụ thể, điểm g Khoản 3 Điều 37 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi:
g) Cá nhân khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch cấp mới, cấp lại Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ;
Bên cạnh phạt tiền, các giấy tờ, tài liệu giả mạo khi thực hiện hành vi vi phạm kể trên cũng sẽ bị tịch thu theo quy định tại điểm đ Khoản 9 Điều 37 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Không những vậy, pháp luật còn thể hiện sự nghiêm khắc đối với các trường hợp khai báo gian dối để cấp lại GPLX nếu bị phát hiện sẽ không được cấp GPLX trong thời hạn 05 năm.
Cụ thể, điểm b Khoản 19 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định:
19. ... khoản 14 Điều 33 được sửa đổi như sau:
...b) Khoản 14 Điều 33 được sửa đổi như sau:
“14. Người tẩy xóa, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe; sử dụng giấy phép lái xe hoặc hồ sơ lái xe giả; sử dụng giấy phép lái xe đã khai báo mất để điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; có hành vi gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới giấy phép lái xe thì giấy phép lái xe đó không có giá trị sử dụng, ngoài việc bị cơ quan quản lý giấy phép lái xe ra quyết định thu hồi giấy phép lái xe, hồ sơ gốc và cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống giấy phép lái xe còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, nếu có nhu cầu cấp lại giấy phép lái xe phải học và sát hạch như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu.
Chế tài xử lý thì đã rõ, vậy câu hỏi đặt ra tiếp theo là liệu Cơ quan chức năng làm sao để nhận ra trường hợp nào mất GPLX thật, trường hợp nào là gian dối để được cấp lại GPLX?
Theo Trung tá Vũ Anh Điệp, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT - Bộ Công an cho biết, hiện nay đang có tình trạng tài xế khai báo gian dối về việc mất giấy phép lái xe (GPLX). Mục đích của việc khai báo gian dối này nhằm không bị tước quyền sử dụng GPLX theo Nghị định 100. Với những trường hợp khai báo gian dối hoặc sử dụng các loại giấy tờ giả, CSGT sẽ dùng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, làm rõ. Đồng thời, giữa Cục CSGT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng như lực lượng CSGT và ngành giao thông các tỉnh, thành phố hiện nay đã có sự chia sẻ dữ liệu về GPLX để thống nhất việc quản lý và xử lý vi phạm.
Do đó, khi tài xế báo mất GPLX, lực lượng CSGT sẽ phối hợp, kiểm tra thông qua hệ thống dữ liệu để xác định thông tin này có chính xác hay không, kịp thời phát hiện những người khai báo gian dối.
Tóm lại, hành vi gian dối báo mất GPLX để được cấp lại là hành vi vi phạm pháp luật đáng lên án. Hành vi đó không những thể hiện ý thức chấp hành pháp luật yếu kém của bản thân mà còn có thể khiến cho bản thân không được cấp GPLX đến 05 năm nếu bị phát hiện. Do đó, thượng tôn pháp luật vẫn là quyết định đúng đắn nhất trong trường hợp này.
Toàn Trung