Mới đây, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố 12 Luật, trong đó có Luật Đường sắt sửa đổi. Luật Đường sắt 2017 gồm 10 chương, 87 điều, tăng 2 chương, giảm 27 điều so với Luật Đường sắt 2005, với đầy đủ các quy định điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực đường sắt, có vai trò quan trọng và tác động rất lớn tới sự phát triển của ngành Đường sắt nói riêng và KT-XH nói chung. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.
Ưu tiên phân bổ vốn ngân sách cho phát triển hạ tầng đường sắt
Đề cập đến Luật Đường sắt 2017, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, đường sắt là điểm yếu nhất trong GTVT, vì vậy việc sửa luật lần này có vai trò quan trọng đối với sự phát triển ngành Đường sắt.
Theo Thứ trưởng, Luật Đường sắt 2017 có 9 điểm mới, đầu tiên là chính sách phát triển đường sắt đã được bổ sung quy định đầy đủ, chi tiết trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt, phát triển đường sắt chuyên dùng. Đặc biệt, có chính sách ưu tiên phân bổ ngân sách T.Ư trong kế hoạch đầu tư công để bảo đảm phát triển hạ tầng đường sắt quốc gia. Điểm mới thứ hai, là về kết cấu hạ tầng đường sắt được quy định tại Chương II của luật. Luật bổ sung quy định cụ thể các chủ thể trong công tác quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ thể có trách nhiệm trong quản lý tài sản hạ tầng đường sắt là của cơ quan quản lý Nhà nước. Theo đó, Bộ GTVT thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với tài sản hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư. UBND cấp tỉnh thực hiện đại diện chủ sở hữu đối với tài sản kết cấu hạ tầng đô thị.
Điểm nổi bật thứ ba, là về phát triển công nghiệp đường sắt tại Mục 1, Chương III. Đây là quy định mới được bổ sung trong luật, bao gồm các quy định về yêu cầu phát triển công nghiệp đường sắt, đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ… Điểm mới thứ tư về phương tiện giao thông đường sắt quy định tại Mục 2, Chương III, luật bổ sung quy định đối với niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt. Tuy nhiên, sẽ được thực hiện có lộ trình để đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của DN kinh doanh vận tải đường sắt. Nội dung này đã giao Chính phủ quy định cụ thể.
DN được quyết định giá dịch vụ đường sắt do mình đầu tư
Điểm mới thứ năm là quy định về phí, giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quy định tại Điều 66. Luật lần này bổ sung cơ chế giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt. Theo đó, phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu áp dụng đối với phương thức giao sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư. Đối với giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu áp dụng đối với phương thức cho thuê hoặc chuyển nhượng có thời hạn quyền sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư.
Tiếp đó, về giá dịch vụ điều hành GTVT đường sắt quy định tại Điều 67, xác định rõ giá dịch vụ điều hành GTVT đường sắt để chạy tàu trong ga, trên tuyến hoặc trong khu đoạn đường sắt. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm thẩm quyền quyết định giá của Bộ GTVT đối với dịch vụ điều hành GTVT đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư. Tổ chức, cá nhân quyết định giá dịch vụ điều hành GTVT đường sắt trên kết cầu hạ tầng đường sắt do mình đầu tư.
Điểm mới thứ bảy về hỗ trợ đối với doanh nghiệp kinh doanh đường sắt trong việc thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội tại Điều 68, luật đã bổ sung quy định về việc Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh đường sắt trong trường hợp vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an ninh xã hội theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp đủ chi phí hợp lý của doanh nghiệp.
Điểm mới thứ tám là luật lần này dành hẳn một chương (Chương VII) để quy định về đường sắt đô thị, bổ sung cụ thể các quy định về yêu cầu chung đối với đường sắt đô thị, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị, hệ thống kiểm soát vé, quản lý an toàn đường sắt đô thị, yêu cầu đối với kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc đầu tư xây dựng, quản lý đường sắt đô thị.
Cuối cùng, luật cũng dành một chương (Chương VIII) để quy định về đường sắt trên cao. Đây là điểm hoàn toàn mới mà Luật 2005 chưa có. Trong đó có, yêu cầu chung đối với đường sắt tốc độ cao, chính sách phát triển đường sắt tốc độ cao, yêu cầu về kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao, quản lý, khai thác, bảo trì, quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao. “Các nội dung này là cơ sở pháp lý đầu tiên cho hoạt động đầu tư đường sắt tốc độ cao của nước ta trong thời gian tới”, Thứ trưởng Công khẳng định.
Nguồn: Tổng Công ty đường sắt Việt Nam
- Từ khóa:
- Luật Đường sắt 2017