Tại Kỳ họp thứ 10 – Quốc hội khóa XIV đã thảo luận nhiều dự thảo luật mới. Trong đó đáng chú ý là Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ với nhiều nội dung mới còn nhiều tranh luận. Dưới đây là 8 điểm mới về GPLX tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ.
- Nên hay không tách Luật Giao thông đường bộ thành hai?
- 06 điểm chồng chéo giữa 02 dự thảo luật về giao thông đường bộ
- Dự kiến cách tính điểm trên bằng lái xe (mới nhất)
8 điểm mới về GPLX tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ (Ảnh minh họa)
1. GPLX từ 13 hạng sẽ giảm xuống còn 11 hạng
Tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ quy định 11 hạng GPLX. Bao gồm: A01, A2, A3, B, C, D2, D, BE, CE, D2E, DE.
Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định 13 hạng GPLX bao gồm: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE, FC.
Đồng thời, về thời hạn của GPLX được quy định tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, cụ thể như sau:
-
GPLX hạng A01, A2, A3 không thời hạn;
-
GPLX hạng B có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp;
-
GPLX hạng C, D2, D, BE, CE, D2E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.
2. Bãi bỏ GPLX hạng A4
Theo Điều 42 Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ sẽ không còn quy định GPLX hạng A4 cấp cho người lái máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg nữa như Luật Giao thông đường bộ 2008 nữa.
3. Chỉ còn GPLX hạng B chung cho hạng B1 và B2
Tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ quy định GPLX hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ (kể cả chỗ của người lái xe); xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500kg; các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng B có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg;
Trong khi đó, tại Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định GPLX hạng B1 và B2 cụ thể như sau:
-
Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg.
-
Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg.
Như vậy, theo Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ sẽ không phân chia hạng GPLX B1 và B2 cho đối tượng là người không hành nghề và người hành nghề lái xe, mà sẽ quy định chung cho tất cả người lái xe loại này sẽ được cấp GPLX hạng B.
4. Chia GPLX thành hạng D và hạng D2
Theo Điều 42 Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ quy định GPLX hạng D2 và hạng D cấp cho đối tượng cụ thể như sau:
-
Hạng D2 cấp cho người lái xe ô tô chở người từ 10 chỗ đến 30 chỗ (kể cả chỗ của người lái xe); các loại xe ô tô chở người quy định cho GPLX hạng D2 có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho GPLX hạng B, C.
-
Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ (kể cả chỗ của người lái xe); các loại xe ô tô chở người quy định cho GPLX hạng D có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho GPLX hạng B, C, D2.
Trong khi đó, tại Luật Giao thông đường bộ 2008 hiện nay chỉ quy định GPLX hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi và các loại xe quy định cho các GPLX hạng B1, B2, C.
Như vậy, tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ quy định GPLX hạng D sẽ khác hoàn toàn so với hạng D tại Luật Giao thông đường bộ 2008. Theo đó, GPLX hạng D như hiện nay sẽ cùng với hạng D2 tại Dự thảo Luật mới. Đồng thời, GPLX hạng D tại Dự thảo Luật mới lần đầu tiên được ghi nhận.
5. Bổ sung các hạng BE, CE, D2E, DE cho GPLX
So với quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008 thì tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ đã bổ sung các hạng BE, CE, D2E, DE cho GPLX, cụ thể như sau:
-
Hạng BE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng B khi kéo rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg;
-
Hạng CE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng C khi kéo rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg; xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ mooc;
-
Hạng D2E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng D2 khi kéo rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg;
-
Hạng DE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng D khi kéo rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg; xe ô tô chở khách nối toa.
Trong khi đó, tại Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định GPLX hạng FB2, FD, FE cấp cho người lái xe đã có GPLX hạng B2, D, E để lái các loại xe quy định cho các GPLX hạng này khi kéo rơ moóc hoặc xe ô tô chở khách nối toa; hạng FC cấp cho người lái xe đã có GPLX hạng C để lái các loại xe quy định cho hạng C khi kéo rơ moóc, đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc.
Như vậy, theo Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ thì hạng GPLX trong một số trường hợp đặc biệt như trên sẽ có thay đổi đáng kể.
6. Người khuyết tật không chỉ được cấp GPLX hạng A1
Đây là điểm đáng chú ý tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, tại Điều 42 quy định cụ thể người khuyết tật điều khiển phương tiện tham gia giao thông được cấp GPLX phù hợp với loại xe và tình trạng khuyết tật. Theo đó không giới hạn hạng GPLX cấp cho người khuyết tật.
Trong khi đó, tại Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ ghi nhận người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp GPLX hạng A1. Đồng thời cũng không có quy định nào khác đối với trường hợp cấp GPLX khác cho người khuyết tật.
Có thể thấy, quy định tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ mang tính tiến bộ và phù hợp hơn, bảo đảm công bằng và bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho người khuyết tật khi tham gia giao thông đường bộ.
7. Các loại GPLX có giá trị sử dụng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam
Tại khoản 6 Điều 42 Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ quy định GPLX có giá trị sử dụng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:
-
GPLX do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp;
-
GPLX quốc tế và GPLX quốc gia phù hợp với loại xe được phép điều khiển do quốc gia là thành viên của Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 (Công ước Viên) cấp đối với người nước ngoài;
-
GPLX phù hợp với loại xe được phép điều khiển của nước hoặc vùng lãnh thổ mà Việt Nam ký cam kết công nhận GPLX của nhau theo nguyên tắc có đi có lại;
-
GPLX nước ngoài phù hợp với loại xe được phép điều khiển do quốc gia được công nhận theo điều ước quốc tế mà Việt Nam cùng là thành viên cấp.
Quy định này mang tính cụ thể hơn so với Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ quy định chung GPLX có giá trị sử dụng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và lãnh thổ của nước hoặc vùng lãnh thổ mà Việt Nam ký cam kết công nhận GPLX của nhau.
8. Các trường hợp GPLX không có hiệu lực
Đây là quy định mới hoàn toàn được ghi nhận tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, cụ thể GPLX không có hiệu lực trong các trường hợp:
-
GPLX đang trong thời gian bị áp dụng các hình thức xử phạt tước quyền sử dụng;
-
GPLX hết thời hạn sử dụng;
-
GPLX có Quyết định thu hồi.
Ngoài ra, tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ cũng quy định thêm về GPLX quốc tế, cụ thể:
-
GPLX quốc tế là GPLX do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các nước tham gia Công ước Viên cấp theo một mẫu thống nhất; có thời hạn không quá 3 năm, kể từ ngày cấp và phải phù hợp với thời hạn còn hiệu lực của GPLX quốc gia.
-
Người có GPLX quốc tế do Việt Nam cấp khi lái xe tham gia giao thông trên lãnh thổ nước tham gia Công ước Viên phải mang theo GPLX quốc tế và GPLX quốc gia; tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của nước sở tại;
-
Người có GPLX quốc tế do các nước tham gia Công ước Viên cấp khi lái xe tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam phải mang theo GPLX quốc tế và GPLX quốc gia được cấp phù hợp với hạng xe điều khiển; phải tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của Việt Nam;
-
Người có GPLX quốc tế vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ Việt Nam mà bị tước quyền sử dụng GPLX quốc tế có thời hạn thì thời hạn bị tước không quá thời gian người lái xe được phép cư trú tại lãnh thổ Việt Nam.
Lê Vy