Tôi muốn hỏi thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải thực hiện hoạt động thanh tra qua những nội dung gì? - Minh Quốc (Đà Nẵng)
07 nội dung thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
1. Thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải là gì?
Theo Điều 5 Thông tư 02/2014/TT-BGTVT, thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải là hoạt động thanh tra đối với tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về giao thông vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải và hàng không (bao gồm cả điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên)
2. Các nội dung thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải
Cụ thể tại Điều 5 Thông tư 02/2014/TT-BGTVT quy định về các nội dung thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải như sau:
(1) Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải;
(2) Phương tiện, thiết bị giao thông vận tải và các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông vận tải;
(3) Hoạt động đăng ký, đăng kiểm phương tiện, thiết bị giao thông vận tải;
(4) Điều kiện, tiêu chuẩn và bằng, chứng chỉ chuyên môn, giấy phép của người điều khiển, tham gia vận hành phương tiện, thiết bị giao thông vận tải;
(5) Đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi bằng, chứng chỉ chuyên môn, giấy phép điều khiển phương tiện giao thông vận tải;
(6) Hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải;
(7) Các hoạt động chuyên ngành khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước ngành Giao thông vận tải.
3. Các nguyên tắc hoạt động của thanh tra chuyên ngành Giao thông vận tải
Các nguyên tắc hoạt động của thanh tra chuyên ngành Giao thông vận tải được quy định tại Điều 4 Thông tư 02/2014/TT-BGTVT, cụ thể như sau:
- Hoạt động thanh tra chuyên ngành Giao thông vận tải phải tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, kịp thời; không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra.
- Khi tiến hành thanh tra chuyên ngành, người ký ban hành quyết định thanh tra, Chánh Thanh tra các cấp, thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành (sau đây gọi là công chức thanh tra) phải tuân thủ pháp luật về thanh tra, pháp luật chuyên ngành và phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình.
- Hoạt động thanh tra chuyên ngành chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ của Thanh tra Bộ.
- Chỉ thanh tra viên được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra, công chức được công nhận công chức thanh tra mới được tiến hành thanh tra độc lập.
- Nghiêm cấm việc tiến hành thanh tra khi không có quyết định phân công của cấp có thẩm quyền.
4. Nhiệm vụ và quyền hạn của thanh tra đường bộ
Theo khoản 2 Điều 86 Luật Giao thông đường bộ 2008, Thanh tra đường bộ có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
- Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ;
Trường hợp cấp thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, được phép dừng phương tiện giao thông và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó;
- Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và tại cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ;
- Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới.
Việc thanh tra đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe của lực lượng quân đội, công an do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định;
- Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thanh tra.
Thanh Rin