Xin cho tôi hỏi cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe phải đảm bảo các yêu cầu như thế nào? - Văn Nam (Lâm Đồng)
Yêu cầu đối với cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe (Hình từ Internet)
1. Cơ sở thực hành là gì?
Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 111/2017/NĐ-CP, cơ sở thực hành (hay cơ sở thực hành của cơ sở giáo dục trong đào tạo khối ngành sức khỏe) là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở y tế dự phòng và các cơ sở y tế khác đáp ứng yêu cầu trong tổ chức đào tạo thực hành theo quy định tại Nghị định 111/2017/NĐ-CP.
2. Yêu cầu đối với cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe
2.1. Yêu cầu chung đối với cơ sở thực hành
Cụ thể tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 111/2017/NĐ-CP quy định về yêu cầu chung đối với cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe như sau:
- Có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với chương trình đào tạo thực hành;
- Có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hành theo yêu cầu của chương trình đào tạo thực hành;
- Có người giảng dạy thực hành đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 111/2017/NĐ-CP và có đủ thời gian hoạt động chuyên môn liên tục ở ngành/chuyên ngành hướng dẫn thực hành ít nhất là 12 tháng.
2.2. Yêu cầu đối với cơ sở thực hành là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Đối với cơ sở thực hành là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải đáp ứng các yêu cầu sau đây theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 111/2017/NĐ-CP:
- Có đủ các yêu cầu quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định 111/2017/NĐ-CP;
- Có phòng học, phòng giao ban, phòng trực dành cho người học thực hành và người giảng dạy thực hành;
- Có người giảng dạy thực hành đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 111/2017/NĐ-CP;
- Tại cùng một thời điểm, mỗi khoa, phòng có không quá 03 người học thực hành trên 01 giường bệnh hoặc 01 ghế răng;
- Tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành tối thiểu là 20% và tối đa là 80% của tổng thời lượng chương trình thực hành, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 Điều 9 Nghị định 111/2017/NĐ-CP;
- Cơ sở thực hành thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 111/2017/NĐ-CP phải bảo đảm:
Tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành tối thiểu là 50%, tối đa là 80% tổng thời lượng chương trình thực hành được thực hiện tại cơ sở thực hành và chỉ được là cơ sở thực hành thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 111/2017/NĐ-CP của không quá 02 cơ sở giáo dục đào tạo trình độ đại học, sau đại học và 01 cơ sở giáo dục đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng.
3. Quyền và trách nhiệm của cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe
Theo Điều 13 Nghị định 111/2017/NĐ-CP, cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe có các quyền và trách nhiệm sau đây:
*Về quyền hạn
Cơ sở thực hành có các quyền sau đây:
- Được ưu tiên tham gia các chương trình, dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế và đào tạo nhân lực y tế;
- Được sử dụng cơ sở vật chất và trang thiết bị của cơ sở giáo dục (nếu có) đặt tại cơ sở thực hành trong hoạt động chuyên môn;
- Được tính điểm khi đánh giá chất lượng và xếp hạng cơ sở y tế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Được công nhận là một bộ phận thực hiện nhiệm vụ đào tạo của cơ sở giáo dục sau khi ký hợp đồng chi tiết đào tạo thực hành với cơ sở giáo dục
* Về trách nhiệm
Cơ sở thực hành có trách nhiệm sau đây:
- Bảo đảm các yêu cầu của cơ sở thực hành theo quy định Nghị định 111/2017/NĐ-CP;
- Phối hợp với cơ sở giáo dục bảo đảm chất lượng đào tạo thực hành theo chương trình đào tạo thực hành;
- Xác nhận kết quả thực hành của người học thực hành.
Thanh Rin
- Từ khóa:
- khối ngành sức khỏe
- cơ sở thực hành