Để trở thành báo cáo viên bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì? - Ngọc Hằng (TP. HCM)
Tiêu chuẩn của báo cáo viên bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên (Hình từ Internet)
1. Báo cáo viên bồi dưỡng thường xuyên là ai?
Theo khoản 1 Điều 9 Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT (sửa đổi bởi Thông tư 17/2022/TT-BGDĐT), báo cáo viên bồi dưỡng thường xuyên (BDTX) là những người sau đáp ứng tiêu chuẩn của báo cáo viên BDTX được quy định tại mục 2 dưới đây:
- Nhà giáo thuộc các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên;
- Chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục;
- Giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán;
- Giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục thường xuyên.
2. Tiêu chuẩn của báo cáo viên bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên
Tiêu chuẩn của báo cáo viên BDTX cho giáo viên được quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT (sửa đổi bởi Thông tư 17/2022/TT-BGDĐT) như sau:
- Có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên và phẩm chất, năng lực nghề nghiệp tốt;
- Nắm vững Chương trình BDTX, có khả năng truyền đạt nội dung tài liệu BDTX phù hợp với đối tượng bồi dưỡng;
- Có kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý; có tinh thần trách nhiệm, khả năng cộng tác với đồng nghiệp; có khả năng hướng dẫn, tư vấn giáo viên, cán bộ quản lý tự học; nắm vững quy trình tổ chức, nội dung, kỹ thuật, phương pháp, hình thức đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên;
(Hiện hành, Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT yêu cầu cụ thể báo cáo viên BDTX có kinh nghiệm trong công tác BDTX giáo viên, cán bộ quản lý từ 03 năm trở lên).
- Có kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế, xây dựng và phát triển tài liệu, học liệu để bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý.
(Hiện hành, Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT yêu cầu có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT).
3. Kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên giáo viên
Điều 8 Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT quy định về kế hoạch BDTX giáo viên như sau
- Kế hoạch BDTX được xây dựng theo năm học, bao gồm:
Kế hoạch BDTX của giáo viên, cán bộ quản lý, của cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, phòng giáo dục và đào tạo và sở giáo dục và đào tạo.
- Kế hoạch BDTX phải nêu rõ mục tiêu, nội dung, loại hình tổ chức BDTX và kết quả đầu ra đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp liên tục cho giáo viên, cán bộ quản lý.
- Xây dựng kế hoạch BDTX năm học:
+ Kế hoạch BDTX của giáo viên, cán bộ quản lý:
Căn cứ vào nhu cầu về mô đun bồi dưỡng, hình thức bồi dưỡng và hướng dẫn của cơ sở giáo dục nơi đang công tác; giáo viên, cán bộ quản lý xây dựng kế hoạch BDTX của cá nhân trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 31 tháng 5 hằng năm;
+ Kế hoạch BDTX của cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên:
Căn cứ vào hướng dẫn của sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo, theo phân cấp quản lý, và kế hoạch BDTX của giáo viên, cán bộ quản lý; cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên xây dựng kế hoạch BDTX và báo cáo cơ quan quản lý giáo dục cấp trên vào tháng 6 hằng năm;
+ Kế hoạch BDTX của phòng giáo dục và đào tạo:
Căn cứ vào hướng dẫn của sở giáo dục và đào tạo và kế hoạch BDTX của cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý; phòng giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch BDTX và báo cáo sở giáo dục và đào tạo vào tháng 6 hằng năm;
+ Kế hoạch BDTX của sở giáo dục và đào tạo:
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kế hoạch BDTX của phòng giáo dục và đào tạo, trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý và trung tâm giáo dục thường xuyên; sở giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch BDTX để triển khai thực hiện từ tháng 7 hằng năm.
Văn Trọng
- Từ khóa:
- báo cáo viên bồi dưỡng thường xuyên