Tiêu chí xác định thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư

Tôi muốn hỏi để xác định thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư thì dựa vào các tiêu chí nào? - Kim Phương (Lâm Đồng)

Tiêu chí xác định thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư

Tiêu chí xác định thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Thế nào là thư viện công lập?

Theo Điểm a Khoản 2 Điều 9 Luật Thư viện 2019, thư viện công lập là thư viện do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu được tổ chức theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc phù hợp với mô hình của cơ quan, tổ chức chủ quản;

2. Tiêu chí xác định thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư

Cụ thể tại Điều 3 Nghị định 93/2020/NĐ-CP, các tiêu chí xác định thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư bao gồm:

(1) Có đủ điều kiện, khả năng thực hiện nhiệm vụ quy định tại các Điều 25, 26, 27, 28 và chủ trì xây dựng, chia sẻ, khai thác tài nguyên thông tin dùng chung giữa các thư viện quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định 93/2020/NĐ-CP; triển khai kết nối, hợp tác với các thư viện cùng nhóm, chuyên ngành, lĩnh vực trong phạm vi quốc gia, lĩnh vực, ngành hoặc vùng, miền, địa phương.

(2) Cơ sở vật chất, tiện ích, kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu phục vụ người sử dụng thư viện và khả năng mở rộng liên thông, liên kết thư viện trong lĩnh vực, ngành hoặc vùng, miền, địa phương:

- Có ít nhất 500.000 đơn vị bảo quản, trong đó có ít nhất 200.000 bản sách và ít nhất 5.000 đầu tài liệu số; cơ sở dữ liệu dùng chung đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia, tuân thủ quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ và an ninh mạng;

- Tài nguyên thông tin được lưu trữ, bảo quản và quản lý bằng hạ tầng, thiết bị kỹ thuật và công nghệ hiện đại:

+ Thư viện có phần mềm tiên tiến ứng dụng trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý thư viện;

+ Có cổng thông tin hoặc trang thông tin điện tử cung cấp tra cứu mục lục trực tuyến và các dịch vụ cung cấp tài liệu số;

+ Có dịch vụ tư vấn trực tuyến cho người sử dụng;

+ Sử dụng máy tính và các trang thiết bị hiện đại để triển khai phục vụ người sử dụng thư viện;

- Không gian đọc thân thiện, bảo đảm khả năng tiếp cận thư viện cho mọi đối tượng người sử dụng; bảo đảm vệ sinh môi trường, trang thiết bị an ninh, an toàn và phòng cháy, chữa cháy;

- Có ít nhất 50 máy vi tính phục vụ người sử dụng thư viện;

- Đã thực hiện liên thông thư viện ở phạm vi vùng, miền, địa phương hoặc lĩnh vực, ngành hoặc quốc tế.

(3) Người làm công tác thư viện phải bảo đảm các yêu cầu sau:

- Có trình độ nghiệp vụ thông tin - thư viện đáp ứng tiêu chuẩn về vị trí việc làm theo quy định của pháp luật;

- Có ít nhất 70% số người làm công tác thư viện tốt nghiệp từ đại học trở lên chuyên ngành thông tin - thư viện hoặc tốt nghiệp chuyên ngành khác có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành thông tin - thư viện do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp;

- Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, sử dụng thành thạo phần mềm quản lý thư viện theo yêu cầu vị trí việc làm, thực hiện liên thông thư viện; hướng dẫn người sử dụng thư viện sử dụng tiện ích thư viện hiện đại để tiếp cận và khai thác thông tin.

(4) Hiệu quả hoạt động thư viện bình quân hằng năm:

- Đạt ít nhất 6.000 người đăng ký sử dụng thư viện, mượn tài nguyên thông tin, sử dụng tài liệu điện tử, tài liệu số tại thư viện, ngoài thư viện và trên không gian mạng; đạt ít nhất 1.000.000 lượt người đến thư viện và truy cập trang thông tin điện tử của thư viện;

- Đạt ít nhất 2.000.000 lượt tài nguyên thông tin phục vụ tại thư viện và phục vụ lưu động; đạt ít nhất 1.000.000 lượt tài nguyên thông tin phục vụ trên không gian mạng;

- Đạt ít nhất 80% các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, dịch vụ thư viện đã được ứng dụng khoa học và công nghệ; đã xây dựng cổng thông tin hoặc trang thông tin điện tử của thư viện; tổ chức được mục lục điện tử trực tuyến (OPAC); có ít nhất 30% dịch vụ thư viện được cung cấp trực tuyến;

- Tổ chức ít nhất 04 hội nghị, hội thảo, triển lãm chuyên đề; có ít nhất 01 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được nghiệm thu đưa vào thực hiện trong thực tiễn hoặc có ít nhất 06 sản phẩm thông tin chuyên đề, thư mục được chia sẻ với các thư viện khác;

- Đạt ít nhất 56 giờ/tuần thư viện mở cửa phục vụ hoặc 24 giờ hằng ngày đối với thư viện phục vụ trên không gian mạng.

Trần Thanh Rin

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
539 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;