Trường hợp nào được thực hiện chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ? Thủ tục chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ thế nào? - Hoàng Phi (Tiền Giang)
- Hồ sơ đề nghị cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ bản gốc
- Đình chỉ học tập cán bộ giả mạo hồ sơ, văn bằng để tham gia bồi dưỡng
- 04 nội dung quan trọng về quản lý văn bằng, chứng chỉ
Thủ tục chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ (Hình từ Internet)
1. Quyền và nghĩa vụ của người được cấp văn bằng, chứng chỉ
Quyền và nghĩa vụ của người được cấp văn bằng, chứng chỉ theo Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT như sau:
- Người được cấp văn bằng, chứng chỉ có các quyền sau đây:
+ Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ cấp đúng thời hạn quy định; ghi chính xác, đầy đủ các thông tin trên văn bằng, chứng chỉ; cấp lại văn bằng, chứng chỉ hoặc chỉnh sửa nội dung ghi trên văn bằng, chứng chỉ theo quy định tại Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT;
+ Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc khi có nhu cầu.
- Người được cấp văn bằng, chứng chỉ có các nghĩa vụ sau đây:
+ Cung cấp chính xác, đầy đủ các thông tin cần thiết để cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ ghi nội dung trên văn bằng, chứng chỉ;
+ Kiểm tra tính chính xác các thông tin ghi trên văn bằng, chứng chỉ trước khi ký nhận văn bằng, chứng chỉ;
+ Phải có giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật khi không trực tiếp đến nhận văn bằng, chứng chỉ;
+ Giữ gìn, bảo quản văn bằng, chứng chỉ; không được tẩy xóa, sửa chữa các nội dung trên văn bằng, chứng chỉ; không được cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ;
+ Sử dụng quyết định chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ kèm theo văn bằng, chứng chỉ sau khi được chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ;
+ Trình báo cho cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ và cơ quan công an nơi gần nhất khi bị mất văn bằng, chứng chỉ;
+ Nộp lại văn bằng, chứng chỉ cho cơ quan có thẩm quyền thu hồi văn bằng, chứng chỉ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi văn bằng, chứng chỉ.
Trường hợp văn bằng, chứng chỉ bị mất, phải cam kết bằng văn bản về việc bị mất văn bằng, chứng chỉ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam kết.
2. Thẩm quyền quyết định chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ
Thẩm quyền quyết định chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ theo Điều 21 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT như sau:
Người có thẩm quyền quyết định chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ là thủ trưởng cơ quan đã cấp văn bằng, chứng chỉ và đang quản lý sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ đã sáp nhập, chia, tách, giải thể thì người có thẩm quyền quyết định chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ là thủ trưởng cơ quan đang quản lý sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ.
3. Các trường hợp chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ
Theo Điều 22 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT thì người được cấp văn bằng, chứng chỉ có quyền yêu cầu chỉnh sửa nội dung ghi trên văn bằng, chứng chỉ trong các trường hợp sau:
- Được cơ quan có thẩm quyền quyết định thay đổi hoặc cải chính hộ tịch;
- Được xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính;
- Được bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch;
- Được đăng ký khai sinh quá hạn, đăng ký lại việc sinh.
4. Thủ tục chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ
Thủ tục chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ theo Điều 23 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT như sau:
* Hồ sơ đề nghị chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ:
- Đơn đề nghị chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ;
- Văn bằng, chứng chỉ đề nghị chỉnh sửa;
- Trích lục hoặc quyết định thay đổi hoặc cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính đối với trường hợp chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ do thay đổi hoặc cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính;
- Giấy khai sinh đối với trường hợp chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ do bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch, đăng ký lại việc sinh, đăng ký khai sinh quá hạn;
- Giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân hợp pháp khác có ảnh của người được cấp văn bằng, chứng chỉ. Thông tin ghi trên các giấy tờ này phải phù hợp với đề nghị chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ.
Các tài liệu trong hồ sơ đề nghị chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ quy định là bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính.
* Trường hợp tài liệu trong hồ sơ đề nghị chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ quy định tại các điểm b, c, d, đ khoản 1 Điều 23 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT là bản sao không có chứng thực thì:
Người đề nghị chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ phải xuất trình bản chính để người tiếp nhận hồ sơ đối chiếu; người tiếp nhận hồ sơ phải ký xác nhận, ghi rõ họ tên vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính.
* Trình tự chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ được quy định như sau:
- Người đề nghị chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định cho cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ;
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ xem xét quyết định việc chỉnh sửa; nếu không chỉnh sửa thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
- Việc chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ được thực hiện bằng quyết định chỉnh sửa; không chỉnh sửa trực tiếp trong văn bằng, chứng chỉ. Quyết định chỉnh sửa phải được lưu trong hồ sơ cấp văn bằng, chứng chỉ.
- Căn cứ quyết định chỉnh sửa, cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ ghi đầy đủ thông tin về văn bằng, chứng chỉ, các nội dung được chỉnh sửa của văn bằng, chứng chỉ vào phụ lục sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ.
Quốc Đạt
- Từ khóa:
- chỉnh sửa nội dung văn bằng