Thay đổi tiêu chuẩn về trình độ đào tạo đối với giáo viên các cấp từ 20/3/2021

Mới đây, Bộ GDĐT đã ban hành 4 Thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Theo đó, tiêu chuẩn bắt buộc về trình độ đào tạo đối với mọi giáo viên từ 20/3/2021 sẽ có nhiều thay đổi, cụ thể như sau:

Thay đổi tiêu chuẩn về trình độ đào tạo đối với mọi giáo viên từ 20/3/2021

Thay đổi tiêu chuẩn về trình độ đào tạo đối với mọi giáo viên từ 20/3/2021 (Ảnh minh họa)

1. Đối giáo viên mầm non

Theo quy định tại Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với các chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non được quy định như sau:

- Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non trở lên đối với giáo viên mầm non hạng III; bằng cử nhân giáo dục mầm non trở lên hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non và có bằng cử nhân quản lý giáo dục trở lên đối với giáo viên mầm non hạng II và hạng I.

Hiện nay, theo Thông tư liên tịch 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, yêu cầu bằng tốt nghiệp đại học sư phạm mầm non trở lên đối với giáo viên mầm non hạng II, có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non trở lên đối với giáo viên mầm non hạng III và có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non trở lên đối với giáo viên mầm non hạng IV.

- Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non đối với giáo viên mầm non hạng III, hạng II và hạng I (đối với giáo viên mầm non mới được tuyển dụng vào giáo viên mầm non hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng).

Hiện nay, Thông tư liên tịch 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên mầm non đối với giáo viên mầm non hạng II và hạng III.

2. Đối với giáo viên tiểu học

Theo quy định tại Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với các chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học được quy định như sau:

- Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học hạng III và hạng II; có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên đối với giáo viên tiểu học hạng I. 

Lưu ý: Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học hạng III và hạng II thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tiểu học theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Hiện nay, theo Thông tư liên tịch 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV thì yêu cầu có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm tiểu học hoặc đại học sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên đối với giáo viên tiểu học hạng II; có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm tiểu học hoặc cao đẳng sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên đối với giáo viên tiểu học hạng III và có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm tiểu học hoặc trung cấp sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên đối với giáo viên tiểu học hạng IV.

- Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học đối với giáo viên tiểu học hạng III, hạng II và hạng I (đối với giáo viên tiểu học mới được tuyển dụng vào giáo viên tiểu học hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng).

Hiện nay, Thông tư liên tịch 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên tiểu học hạng II, hạng III đối với giáo viên tiểu học hạng II và hạng III.

3. Đối với giáo viên trung học cơ sở

Theo quy định tại Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với các chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở được quy định như sau:

- Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở hạng III, hạng II; có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên.

Hiện nay, theo Thông tư liên tịch 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, yêu cầu có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm trở lên hoặc đại học các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở hạng I và hạng II; có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên hoặc cao đẳng các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở hạng III.

Lưu ý: Đối với giáo viên hạng III và hạng II, trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

- Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở đối với giáo viên THCS hạng III, hạng II và hạng I (đối với giáo viên THCS mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học cơ sở hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng).

Hiện nay, theo Thông tư liên tịch 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở hạng I đối với giáo viên hạng I và hạng II đối với giáo viên hạng II.

4. Đối với giáo viên trung học phổ thông

Theo quy định tại Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với các chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông công lập được quy định như sau:

- Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông hạng III và hạng II; có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên.

Lưu ý: Đối với giáo viên trung học phổ thông hạng III và hạng II, trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học phổ thông theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Hiện nay, theo Thông tư liên tịch 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, yêu cầu có bằng tốt nghiệp thạc sỹ đúng hoặc phù hợp với môn học giảng dạy trở lên; nếu là phó hiệu trưởng có thể thay thế bằng thạc sỹ quản lý giáo dục trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học phổ thông hạng I nếu không có bằng đại học sư phạm; có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm trở lên hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học phổ thông hạng II và hạng III.

- Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông đối với giáo viên THPT hạng III, hạng II và hạng I (đối với giáo viên THPT mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học phổ thông hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng).

Hiện nay, theo Thông tư liên tịch 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, yêu cầu chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên trung học phổ thông đối với giáo viên hạng I và hạng II.

Như vậy, có thể thấy, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và THPT theo quy định tại Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT đã có nhiều thay đổi so với quy định hiện nay, đặc biệt theo quy định mới, từ 20/3/2021 cũng sẽ không yêu cầu trình độ ngoại ngữ, tin học phải đạt đối với từng hạng giáo viên như hiện nay. Thay vào đó, cả 4 Thông tư chỉ quy định "có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên mầm non/tiểu học/THCS/THPT theo từng hạng và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao" tại tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ.

>>> Xem thêm: Bảng lương giáo viên các cấp theo hạng chức danh nghề nghiệp mới từ 20/3/2021

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
15449 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;