Quy trình tự đánh giá trường của trường mầm non

Xin hỏi là đối với trường mầm non thì quy trình tự đánh giá được quy định thế nào? - Ngọc Minh (TP.HCM)

Quy trình tự đánh giá trường của trường mầm non

Quy trình tự đánh giá trường của trường mầm non (Hình từ Internet)

Quy trình từ đánh giá của trường mầm non

Tại Điều 23 Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT. quy định quy trình tự đánh giá của trường mầm non gồm các bước sau:

Bước 1: Thành lập hội đồng tự đánh giá.

Bước 2: Lập kế hoạch tự đánh giá.

Bước 3: Thu thập, xử lý và phân tích các minh chứng.

Bước 4: Đánh giá các mức đạt được theo từng tiêu chí.

Bước 5: Viết báo cáo tự đánh giá.

Bước 6: Công bố báo cáo tự đánh giá.

Bước 7: Triển khai các hoạt động sau khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá.

07 bước tự đánh giá của trường mầm non

07 bước tự đánh giá của trường mầm non được quy định tại Công văn 5942/BGDĐT-QLCL năm 2018 hướng dẫn tự đánh giá và đánh giá ngoài trường mầm non như sau:

Bước 1: Thành lập hội đồng tự đánh giá

- Hiệu trưởng trường mầm non ra quyết định thành lập Hội đồng tự đánh giá (TĐG).

- Số lượng thành viên, thành phần tham gia Hội đồng TĐG theo quy định tại Điều 24 Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT.

- Nhiệm vụ và quyền hạn Hội đồng TĐG được quy định tại Điều 25 Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT.

Bước 2: Lập kế hoạch tự đánh giá

Kế hoạch TĐG do Hội đồng TĐG xây dựng và có các nội dung theo Phụ lục 1. Chủ tịch Hội đồng phê duyệt kế hoạch TĐG.

Kế hoạch TĐG phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, cần xác định rõ nhiệm vụ cụ thể của các thành viên trong Hội đồng TĐG, nhóm thư ký, các nhóm công tác và từng cá nhân. Kế hoạch TĐG cần nêu rõ nội dung từng hoạt động, thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành, tránh chung chung, hình thức.

Trong quá trình thực hiện Kế hoạch TĐG, nếu phát sinh những vấn đề chưa phù hợp thì có thể điều chỉnh và bổ sung.

Bước 3: Thu thập, xử lý và phân tích các minh chứng

- Khái niệm minh chứng

Minh chứng được hiểu là những văn bản, hồ sơ, sổ sách, băng, đĩa hình, hiện vật đã và đang có của nhà trường phù hợp với nội hàm của chỉ báo, tiêu chí.

Minh chứng được sử dụng để chứng minh cho các nhận định, kết luận trong mục “Mô tả hiện trạng” từng tiêu chí của báo cáo TĐG.

Minh chứng được thu thập từ hồ sơ lưu trữ của nhà trường, các cơ quan có liên quan;

Kết quả khảo sát, điều tra, phỏng vấn, quan sát các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em của trường mầm non.

Minh chứng phải có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo tính chính xác.

Minh chứng thu được không chỉ sử dụng cho mục đích đánh giá các mức đạt của từng chỉ báo, tiêu chí, mà còn nhằm mô tả hiện trạng các hoạt động của nhà trường để người đọc hiểu hơn, qua đó làm tăng tính thuyết phục của báo cáo TĐG.

- Xác định nội hàm, phân tích tiêu chí tìm minh chứng

Để xác định đúng, đủ nội hàm (yêu cầu) của từng chỉ báo, tiêu chí cần lưu ý:

(1) Chỉ báo, tiêu chí thường có những từ, cụm từ quan trọng có ý nghĩa như là “từ khóa”;

(2) Mỗi chỉ báo, tiêu chí có một hoặc nhiều nội hàm;

(3) cần xác định nội hàm của từng chỉ báo, tiêu chí theo các quy định nào của một chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục và thời hạn công nhận đạt chuẩn quốc gia;

(4) Đối chiếu “Mục tiêu cụ thể” của nhà trường liên quan nội hàm chỉ báo, tiêu chí.

Trên cơ sở đã xác định đúng, đủ nội hàm chỉ báo, tiêu chí, nhóm công tác hoặc cá nhân sẽ phân tích tiêu chí để tìm những minh chứng cần thu thập, nơi thu thập và ghi vào Phiếu xác định nội hàm, phân tích tiêu chí tìm minh chứng tiêu chí (tham khảo Phụ lục 2 và 3).

Để đánh giá thực trạng từng nội hàm của chỉ báo, tiêu chí, nhà trường có thể tự đặt ra và trả lời (ứng với nội hàm) các câu hỏi như:

+ Nhà trường có hay không lập kế hoạch thực hiện yêu cầu?

+ Nhà trường đã thực hiện, đã đạt được yêu cầu chưa?

+ Yêu cầu đã đạt được của nhà trường so với yêu cầu theo quy định chung như thế nào?

+ So với các trường khác cùng có điều kiện tương đồng (kinh tế - xã hội, văn hóa,...) như thế nào?

+ Nhà trường đã thực hiện “vượt trên” yêu cầu như thế nào?

+ Nhà trường rà soát, kiểm tra việc thực hiện yêu cầu như thế nào?

+ Những bằng chứng để khẳng định nhà trường có kế hoạch, thực hiện yêu cầu, rà soát, kiểm tra việc thực hiện yêu cầu,...

Trả lời những câu hỏi trên, nhà trường đã phân tích được tiêu chí, định hướng được việc thu thập minh chứng và chuẩn bị cho các bước tiếp theo của quy trình TĐG.

- Thu thập minh chứng

Căn cứ vào các Phiếu xác định nội hàm, phân tích tiêu chí tìm minh chứng tiêu chí, nhóm công tác hoặc cá nhân được phân công tiến hành thu thập minh chứng, sắp xếp minh chứng theo thứ tự nội hàm chỉ báo, tiêu chí của tiêu chuẩn đánh giá trường mầm non.

Trong trường hợp không tìm được minh chứng cho chỉ báo, tiêu chí nào đó (hỏa hoạn, thiên tai hoặc những năm trước không lưu hồ sơ,...), Hội đồng TĐG nêu rõ nguyên nhân trong Phiếu đánh giá tiêu chí.

- Xử lý và phân tích các minh chứng

Hội đồng TĐG thảo luận các minh chứng cho từng tiêu chí đã thu thập được của nhóm công tác hoặc cá nhân. Khi các minh chứng được sử dụng, Hội đồng TĐG lập Bảng danh mục mã minh chứng (tham khảo Phụ lục 4).

Trong thực tế, có những minh chứng có thể được sử dụng ngay để làm minh chứng, nhưng có minh chứng phải qua xử lý, phân tích, tổng hợp mới có thể sử dụng để làm minh chứng cho các nhận định, kết luận trong mục “Mô tả hiện trạng”.

Ví dụ, hầu hết minh chứng thu được sau các kết quả khảo sát, điều tra, phỏng vấn và quan sát các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em của trường mầm non phải xử lý thành dạng số liệu tổng hợp mới có thể đưa vào làm minh chứng trong mục “Mô tả hiện trạng”.

Các minh chứng phù hợp với nội hàm chỉ báo, tiêu chí sẽ được sử dụng trong mục “Mô tả hiện trạng” của Phiếu đánh giá tiêu chí.

Các minh chứng này, trước khi được sử dụng cần thiết phải mã hóa với mục đích gọn, tiện tra cứu.

Mã minh chứng có thể được ký hiệu bằng chuỗi gồm 1 chữ cái (H), hai dấu gạch (-) và các chữ số được quy ước: [Hn-a.b-c].

Trong đó, H là hộp (cặp) đựng minh chứng; n là số thứ tự của hộp (cặp) đựng minh chứng được đánh số từ 1 đến hết (n có thể có 2 chữ số); a.b là ký hiệu của tiêu chí trong từng tiêu chuẩn (Ví dụ: Tiêu chí 1.1, Tiêu chí 1.2,...; Tiêu chí 2.1, Tiêu chí 2.2,...); c là số thứ tự của minh chứng theo từng tiêu chí (minh chứng thứ nhất viết 01, thứ hai viết 02, thứ 15 viết 15).

Ví dụ:

[H1-1.1-01] được hiểu là minh chứng thứ nhất của tiêu chí 1.1 thuộc tiêu chuẩn 1, được đặt ở hộp 1;

[H3-2.1-03] được hiểu là minh chứng thứ ba của tiêu chí 2.1 thuộc tiêu chuẩn 2, được đặt ở hộp 3;

[H9- 5.1-01] được hiểu là minh chứng thứ nhất của tiêu chí 5.1 thuộc tiêu chuẩn 5, được đặt ở hộp 9.

Mã minh chứng dùng cho các tiêu chí ở Mức 4 nên ký hiệu như sau: [Hn-M4-a-b]. 

Trong đó, H là hộp (cặp) đựng minh chứng; n là số thứ tự của hộp (cặp) đựng minh chứng được đánh số từ 1 đến hết (n có thể có 2 chữ số); M4 là Mức 4; a là số thứ tự của tiêu chí (Từ tiêu chí 1 đến tiêu chí 6); b là số thứ tự của minh chứng theo từng tiêu chí (minh chứng thứ nhất viết 01, thứ hai viết 02, thứ 15 viết 15).

Ví dụ: [H6-M4-01-01] là minh chứng thứ nhất của tiêu chí 1 thuộc Mức 4, được đặt ở hộp 6.

Đối với những minh chứng sử dụng ở Mức 4, đã được mã hóa và sử dụng ở các tiêu chí thuộc Mức 1, Mức 2 hoặc Mức 3 thì chỉ cần trích dẫn mã minh chứng (giữ nguyên cách mã hóa minh chứng đã sử dụng).

Trong trường hợp, nhà trường không để riêng các minh chứng trong các hộp (cặp) mà vẫn để trong hồ sơ lưu trữ của nhà trường, thì mã minh chứng sẽ được ký hiệu là [a.b-c].

Trường hợp này, phải ghi rõ vị trí cụ thể (đường dẫn) của minh chứng đặt trong hồ sơ lưu trữ của nhà trường vào Bảng danh mục mã minh chứng.

- Sử dụng minh chứng

Mỗi minh chứng chỉ được mã hóa một lần. Minh chứng được dùng cho nhiều tiêu chí trong một tiêu chuẩn hoặc nhiều tiêu chuẩn thì mang mã minh chứng của tiêu chí, tiêu chuẩn được sử dụng lần thứ nhất.

Mỗi nhận định, kết luận trong mục “Mô tả hiện trạng” của Phiếu đánh giá tiêu chí (sau đó được sử dụng trong báo cáo TĐG) phải có minh chứng kèm theo. Cần lựa chọn một, hoặc vài minh chứng phù hợp với nội hàm của chỉ báo, tiêu chí và ghi ký hiệu đã được mã hóa vào sau mỗi nhận định, kết luận.

Trường hợp một nhận định, kết luận trong mục “Mô tả hiện trạng” có từ 2 minh chứng trở lên, thì mã minh chứng được đặt liền nhau, cách nhau dấu chấm phẩy (;). 

Ví dụ: Một nhận định, kết luận của Tiêu chí 2.1 thuộc Tiêu chuẩn 2 có 3 minh chứng thứ nhất, thứ hai và thứ ba (đặt ở hộp số 3) được sử dụng thì sau nhận định, kết luận đó, các minh chứng được viết là: [H3-2.1-01]; [H3-2.1-02]; [H3-2.1-03],

Mỗi minh chứng chỉ cần một bản (kể cả những minh chứng được dùng cho nhiều chỉ báo, tiêu chí và tiêu chuẩn), không nhân thêm bản để tránh lãng phí.

- Lưu trữ và bảo quản

Có thể tập hợp, sắp xếp minh chứng trong các hộp (cặp) theo thứ tự mã hóa. Minh chứng hết giá trị được thay thế bằng minh chứng đang còn hiệu lực và phù hợp. Minh chứng thay thế được ghi ký hiệu của minh chứng bị thay thế và ghi rõ ngày, tháng, năm thay thế.

Lưu ý, những minh chứng phục vụ công tác quản lý các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, thì lưu trữ, bảo quản tại hồ sơ lưu trữ của nhà trường, nhưng phải ghi rõ vị trí cụ thể (đường dẫn) của minh chứng trong Bảng danh mục mã minh chứng để tiện lợi trong việc tra cứu, tìm kiếm.

Đối với những minh chứng phức tạp, cồng kềnh (các hiện vật; hệ thống hồ sơ, sổ sách; các văn bản, tài liệu, tư liệu có số lượng lớn và số trang nhiều,...), nhà trường có thể lập các biểu, bảng tổng hợp, thống kê các dữ liệu, số liệu để thuận tiện cho việc sử dụng.

Nếu có điều kiện thì chụp ảnh (kỹ thuật số) minh chứng, lưu trong đĩa CD, USB hoặc lưu trong máy tính.

Minh chứng được lưu trữ, bảo quản theo quy định của Luật lưu trữ và các quy định hiện hành.

Bước 4: Đánh giá các mức đạt được theo từng tiêu chí

- Việc đánh giá các mức đạt được theo từng tiêu chí thực hiện thông qua Phiếu đánh giá tiêu chí.

Đối với tiêu chí thuộc Mức 1, 2 và 3 trong tiêu chuẩn đánh giá, tùy theo nội hàm của chỉ báo, tiêu chí việc “Mô tả hiện trạng” trong Phiếu đánh giá tiêu chí có thể thực hiện theo Phụ lục 5 a hoặc Phụ lục 5b. Các tiêu chí thuộc Mức 4 trong tiêu chuẩn đánh giá, thì viết Phiếu đánh giá tiêu chí theo Phụ lục 5b.

- Phiếu đánh giá tiêu chí gồm các nội dung:

Mô tả hiện trạng, điểm mạnh, điểm yếu, kế hoạch cải tiến chất lượng và tự đánh giá. Phiếu đánh giá tiêu chí do nhóm công tác hoặc cá nhân viết và phải được lấy ý kiến của Hội đồng TĐG. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo một Phiếu đánh giá tiêu chí.

- Quy trình viết và hoàn thiện Phiếu đánh giá tiêu chí được thực hiện như sau:

+ Bước 1: Nhóm công tác hoặc cá nhân nghiên cứu, phân tích nội hàm của tiêu chí, chỉ báo và các minh chứng được sử dụng để viết các nội dung theo quy định trong Phiếu đánh giá tiêu chí;

+ Bước 2: Nhóm công tác thảo luận các nội dung của Phiếu đánh giá tiêu chí để chỉnh sửa, bổ sung;

+ Bước 3: Hội đồng TĐG thảo luận các nội dung của từng Phiếu đánh giá tiêu chí. 

Trong đó, đặc biệt chú ý đến kế hoạch cải tiến chất lượng từng tiêu chí để xác định rõ các biện pháp, giải pháp, điều kiện (nhân lực, tài chính), thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành và phải có tính khả thi;

+ Bước 4: Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng TĐG, nhóm công tác hoặc cá nhân hoàn thiện Phiếu đánh giá tiêu chí và gửi thư ký Hội đồng TĐG.

- Các mức đánh giá trường mầm non theo quy định tại Điều 6 Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT. Kết quả đánh giá từng tiêu chí được tổng hợp vào Bảng tổng hợp kết quả TĐG (tham khảo Phụ lục 6).

Bước 5: Viết báo cáo tự đánh giá

- Báo cáo TĐG là văn bản phản ánh thực trạng chất lượng của nhà trường, sự cam kết thực hiện các hoạt động cải tiến chất lượng của nhà trường.

Kết quả TĐG được trình bày dưới dạng một bản báo cáo có cấu trúc và hình thức theo quy định của hướng dẫn này (tham khảo Phụ lục 6).

- Báo cáo TĐG cần ngắn gọn, rõ ràng, chính xác, đủ các nội dung liên quan đến toàn bộ các tiêu chí. Báo cáo TĐG được trình bày lần lượt theo thứ tự các tiêu chuẩn.

Đối với mỗi tiêu chí cần có đủ các mục: mô tả hiện trạng, điểm mạnh, điểm yếu, kế hoạch cải tiến chất lượng và tự đánh giá.

Những nội dung trình bày trong các Phiếu đánh giá tiêu chí đã được Hội đồng TĐG chấp thuận, thì đưa vào báo cáo TĐG.

- Báo cáo TĐG đạt yêu cầu khi:

Trình bày theo hình thức và cấu trúc của hướng dẫn này;

Không có lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp;

Không mâu thuẫn giữa các nội dung trong một tiêu chí và giữa các tiêu chí;

Các minh chứng phải đủ, rõ ràng và thuyết phục;

Có minh chứng đủ cơ sở để khẳng định mức đạt được của chỉ báo, tiêu chí;

Đánh giá đúng thực trạng của nhà trường;

Mục “Mô tả hiện trạng” phải đúng, đủ nội hàm;

Xác định đúng điểm mạnh và điểm yếu theo từng tiêu chí;

Kế hoạch cải tiến chất lượng cho từng tiêu chí phải phù hợp và khả thi;

Mức đạt được của tiêu chí do nhà trường đề xuất là thoả đáng.

- Dự thảo báo cáo TĐG phải được chuyển cho các nhóm công tác, cá nhân cung cấp minh chứng để xác minh lại các minh chứng đã được sử dụng và tính chính xác của các nhận định, kết luận rút ra từ đó. Các nhóm công tác, cá nhân chịu trách nhiệm rà soát lại nội dung báo cáo có liên quan đến các tiêu chí được giao.

- Dự thảo cuối cùng của báo cáo TĐG được công bố lấy ý kiến góp ý của cán bộ, giáo viên và nhân viên trong nhà trường.

Hội đồng TĐG nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện báo cáo, ký xác nhận vào bản báo cáo TĐG sau khi đã đọc và nhất trí với nội dung báo cáo TĐG.

- Sau khi bản báo cáo TĐG được Hội đồng TĐG nhất trí thông qua, hiệu trưởng xem xét, ký tên, đóng dấu.

Bản chính báo cáo TĐG (có thể là 02 bản) được lưu trữ tại nhà trường, được gửi đến cấp có thẩm quyền để báo cáo hoặc để đăng ký đánh giá ngoài (nếu đủ điều kiện đăng ký đánh giá ngoài).

Bản sao báo cáo TĐG được lưu tại thư viện hoặc phòng truyền thống hoặc trong tủ hồ sơ lưu trữ của nhà trường; báo cáo TĐG được phép mượn và sử dụng theo quy định của hiệu trưởng.

Bước 6: Công bố báo cáo tự đánh giá

Báo cáo TĐG đã hoàn thiện sẽ được nhà trường công bố trong phạm vi nhà trường. Khuyến khích công bố các kết quả TĐG của báo cáo TĐG (tệp pdf) lên trang thông tin điện tử của nhà trường.

Bước 7: Triển khai các hoạt động sau khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá

- Thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng được đề ra trong báo cáo TĐG để cải tiến, nâng cao chất lượng các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em của nhà trường;

- Gửi báo cáo TĐG cho cơ quan quản lý trực tiếp kèm theo công văn đề nghị được quan tâm, hỗ trợ trong quá trình thực hiện cải tiến, nâng cao chất lượng theo kế hoạch cải tiến chất lượng đã nêu trong báo cáo TĐG;

- Hằng năm, báo cáo TĐG được cập nhật (dưới dạng báo cáo bổ sung) và lưu trữ tại nhà trường;

- Nhà trường thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 43 Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
9909 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;