Thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Quá trình xây dựng đề thi các môn được tiến hành như thế nào?
Theo khoản 7 Điều 17 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT (được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT) thì quy trình tạo ra đề thi tốt nghiệp THPT được thực hiện như sau:
- Soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; riêng với môn thi tự luận có thêm hướng dẫn chấm thi: Tổ ra đề thi có trách nhiệm thực hiện đối với bài thi/môn thi được giao phụ trách, bảo đảm các yêu cầu quy định tại Điều 15 Quy chế này đối với đề thi chính thức và đề thi dự bị. Riêng đối với đề thi trắc nghiệm: Thư ký sử dụng phần mềm rút ngẫu nhiên các câu trắc nghiệm từ Ngân hàng câu hỏi thi theo hướng chuẩn hóa được xây dựng theo quy định của Bộ GDĐT, chuyển cho các Tổ trưởng ra đề thi (có sự chứng kiến của Chủ tịch Hội đồng ra đề thi và các Tổ trưởng ra đề thi) làm nguồn tham khảo để soạn thảo đề thi;
- Phản biện đề thi: Theo phân công của Chủ tịch Hội đồng ra đề thi, người phản biện đề thi có trách nhiệm đọc, giải đề thi và đánh giá đề thi theo các yêu cầu quy định tại Điều 15 Quy chế này và đề xuất phương án chỉnh lý, sửa chữa đề thi nếu thấy cần thiết; ý kiến đánh giá của người phản biện đề thi được báo cáo Chủ tịch Hội đồng ra đề thi, làm căn cứ để Chủ tịch Hội đồng ra đề thi tham khảo trong quá trình duyệt đề thi;
- Hoàn thiện đề thi: Trên cơ sở ý kiến của các cán bộ phản biện đề thi, tất cả các thành viên của Tổ ra đề thi cùng tinh chỉnh, hoàn thiện đề thi, ký tên và trình Chủ tịch Hội đồng ra đề thi phê duyệt. Riêng đối với đề thi trắc nghiệm, sau khi được Chủ tịch Hội đồng ra đề thi phê duyệt, thư ký thực hiện trộn đề thi thành nhiều mã đề thi khác nhau và chuyển cho Tổ ra đề thi; tất cả các thành viên của Tổ ra đề thi cùng rà soát từng mã đề thi, đáp án; sau đó, Tổ trưởng ra đề thi ký tên và trình Chủ tịch Hội đồng ra đề thi duyệt để tổ chức in sao.
Tấn Lộc
- Từ khóa:
- tốt nghiệp thpt