Gần đây, Thư Ký Luật nhận được khá nhiều ý kiến của Quý Khách hàng, Thành viên về việc phải làm sao khi hiện nay giáo viên có quá nhiều loại chứng chỉ phải thi và mỗi lần học và thi thì quá tốn kém dẫn đến nhiều giáo viên cảm thấy áp lực, thâm chí có những thầy cô còn muốn xin ra khỏi ngành vì lý do này.
- Giáo viên được nhận lương mới từ năm 2020: Toàn bộ giải đáp liên quan
- 7 thay đổi lớn về lương cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2021
- Sẽ có quỹ tiền thưởng riêng đối với giáo viên các cấp từ năm 2021
- Sắp tới, giáo viên tại nhiều tỉnh cũng sẽ được hưởng thu nhập tăng thêm
- Quyền lợi chính đáng của giáo viên khi được phân công trực Tết
Xem thêm: Sẽ có quỹ tiền thưởng riêng đối với giáo viên các cấp từ năm 2021
Ảnh minh họa
BẢNG LƯƠNG CỦA GIÁO VIÊN CÁC CẤP TỪ 01/7/2020
Về vấn đề này Thư Ký Luật xin giải đáp như sau:
Theo quy định hiện hành, ở mỗi cấp học giáo viên phải đáp ứng các yêu cầu khác nhau về tiêu chuẩn Ngoại ngữ, Tin học, và chứng chỉ bồi dưỡng sao cho phù hợp với từng cấp. Tiêu chuẩn cụ thể, giáo viên các cấp có thể xem chi tiết TẠI ĐÂY.
Theo quy định tại Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT, một trong những điều kiện để giáo viên đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp là phải có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự xét theo quy định tại Thông tư liên tịch 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, Thông tư liên tịch 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, Thông tư liên tịch 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư liên tịch 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV.
Hiện nay, giáo viên sẽ cần có 3 loại chứng chỉ: Chứng chỉ Tin học, Chứng chỉ Ngoại ngữ và Chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp để đủ điều kiện thăng hạng. Trong đó, Bộ Giáo dục Đào tạo đã khẳng định, đối với chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, không bắt buộc tất cả các giáo viên phải tham gia bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp mà chỉ khi giáo viên có nhu cầu thăng lên hạng cao hơn. Cụ thể, đối với mỗi hạng chức danh nghề nghiệp, nếu có yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì giáo viên chỉ phải tham gia bồi dưỡng một lần trong suốt quá trình giữ hạng. Như vậy, nếu không có nhu cầu thăng hạng, trong toàn bộ thời gian hoạt động nghề nghiệp, giáo viên chỉ cần tham gia bồi dưỡng một lần duy nhất để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của hạng đã được bổ nhiệm.
Đồng thời, theo quy định tại Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT, việc cử giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp cũng phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, nhu cầu của các cơ sở giáo dục công lập và tình hình thực tế tại địa phương chứ không phải áp dụng đối với tất cả giáo viên. Do đó, không phải giáo viên nào cũng sẽ được dự thi/xét thăng hạng nên dĩ nhiên không phải giáo viên nào cũng sẽ phải tham gia bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.
Hơn nữa, với mỗi loại chứng chỉ, hiện nay chỉ có một số đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đủ điều kiện được tổ chức thi. Cụ thể, đối với chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên, giảng viên, hiện chỉ có 49 cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ. Chi tiết Danh sách xem TẠI ĐÂY. (Danh sách này do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã tổng hợp và thông báo để tiện cho việc theo dõi, quản lý và thực hiện của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan).
Ảnh cắt một phần Danh sách
Còn đối với chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, hiện chỉ có 10 trường được cho phép thi, cấp chứng chỉ. Cụ thể gồm:
STT |
TÊN ĐƠN VỊ |
1 |
Trường Đại học ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội |
2 |
Trường Đại học ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng |
3 |
Trường Đại học ngoại ngữ - Đại học Huế |
4 |
Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh |
5 |
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội |
6 |
Trường Đại học Hà Nội |
7 |
Đại học Thái Nguyên |
8 |
Trường Đại học Cần Thơ |
9 |
Trường Đại học Vinh |
10 |
Học viện An ninh nhân dân |
Đối với chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin, thì theo Thông báo 538 có 176 đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ. Danh sách cụ thể xem TẠI ĐÂY.
Như vậy, chứng chỉ được thi và cấp tại những đơn vị không nằm trong các danh sách trên thì sẽ không có giá trị. Các thầy cô trước khi thi cần tìm hiểu thật kĩ để tránhtrường hợp tiền thì mất mà chứng chỉ cũng bỏ không.
Ngoài ra, mới đây, Bộ giáo dục và đào tạo ban hành Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT. Nội dung văn bản nói đến việc bãi bỏ quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ đối với các trung tâm ngoại ngữ - tin học và trung tâm giáo dục thường xuyên, theo đó, các trung tâm này từ ngày 05/01/2020 sẽ không được phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên (trình độ A, B, C) mà thay vào đó sẽ thực hiện việc thi cấp chứng chỉ chung theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.
Thêm một điều cần đặc biệt lưu ý là những giáo viên nào có nhu cầu thi các chứng chỉ nêu trên thì nên đăng ký thi trực tiếp tại nhà trường, tại các đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ trong danh sách, không nên qua hệ thống “cò” chứng chỉ. Nhiều thầy cô do tâm lý sợ trượt nên thường tìm đến các “cò” với mong muốn nhận được một sự đảm bảo chắc chắn đậu mà sẵn sàng chấp nhận đưa ra mức phí gấp 5 – 6 lần so với thực tế.
Cuối cùng, để hiểu mình cần loại chứng chỉ gì, có nhu cầu hay không, giáo viên cần hiểu rõ mình hạng nào? Có nhu cầu thăng hạng hay không? Địa phương, đơn vị công tác có yêu cầu hay không? Các giáo viên không nên chạy đua theo số đông, thấy người ta học thì mình cũng học nhưng rốt cuộc mình lại không cần.
Và sắp tới đây, có khả năng cao giáo viên sẽ không phải bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học khi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Cụ thể, trước thông tin của Bộ trưởng Nội vụ rằng, sắp tới có nhiều đổi mới về tuyển dụng, đặc biệt là nâng hạng tiêu chuẩn nghề nghiệp có quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, Bộ trưởng Nhạ cho biết, "qua thực tiễn đối với giáo viên, viên chức giáo dục, có lẽ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết vì đã lồng ghép trong quá trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp trong chuẩn giáo viên đã quy định. Việc này 2 bộ trưởng đã thống nhất về cơ bản."
Đồng thời, tại phiên chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào chiều ngày 7/11, về vấn đề kiểm soát chất lượng các văn bằng, chứng chỉ, Bộ trưởng cũng cho rằng, có nhiều cách như thi tin học, ngoại ngữ trên máy tính; bài sát hạch bằng tiếng Anh không cần phải có văn bản. Sắp tới, Bộ sẽ áp dụng các phương pháp này để loại bớt thủ tục hành chính quá nhiều mà chúng ta làm hậu kiểm là chính chứ không bắt buộc phải cung cấp văn bằng, chứng chỉ.
Như vây, trong thời gian sắp tới, giáo viên có thể sẽ không còn phải chật vật lo học lo thi để làm đẹp hồ sơ, chứng chỉ dự thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên như hiện nay nữa. Các bài thi ngoại ngữ, tin học sẽ được tiến hành ngay trên máy tính chứ không bắt buộc phải cung cấp chứng chỉ, chạy theo hình thức nữa, điều này cũng coi như đã tháo gỡ được một phần gánh nặng cho các giáo viên, để họ có thể tập trung hơn vào chất lượng giảng dạy.
Nguyễn Trinh