Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phụ cấp thâm niên của giáo viên vẫn chưa bị bãi bỏ. Vậy, từ năm 2021, mức phụ cấp thâm niên của giáo viên được tính như thế nào?
- Lương giáo viên các cấp ảnh hưởng thế nào do đại dịch Covid-19?
- Lương giáo viên sẽ chưa tăng theo lộ trình từ 2021
- 05 quyền lợi giáo viên tiểu học phải biết từ năm học 2020 - 2021
Mức phụ cấp thâm niên của giáo viên từ năm 2021 được tính như thế nào? (Ảnh minh họa)
Chưa cắt phụ cấp thâm niên của giáo viên từ 01/7/2020
Theo tinh thần của Nghị quyết 27/NQ-TW, một trong những nội dung cải cách chính sách tiền lương là bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung và với giáo viên nói riêng chỉ trừ 03 đối tượng sau: quân đội, công an và cơ yếu.
Cụ thể hóa quy định này tại Nghị quyết 27, Điều 76 Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 cũng đã bỏ phụ cấp thâm niên nghề ra khỏi các chế độ dành cho giáo viên. Theo đó, giáo viên sẽ được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.
Lưu ý: Theo Nghị định 113/2015/NĐ-CP thì phụ cấp đặc thù được áp dụng đối với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghề nhân, người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
Như vậy, nếu theo đúng dự kiến thì từ ngày 01/7/2020, những giáo viên đang được hưởng phụ cấp thâm niên sẽ không còn được hưởng khoản phụ cấp này nữa.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang theo Nghị quyết 27 sẽ được dời lại. Cụ thể, tại Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII từ ngày 5 - 9/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tán thành với kiến nghị của Ban cán sự đảng Chính phủ về thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2022 (thay vì vào năm 2021 như trước) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp theo Nghị quyết 27-NQ/TW.
Vì vây, dự kiến từ năm 2021, phụ cấp thâm niên của giáo viên vẫn chưa bị bãi bỏ và giáo viên vẫn được hưởng lương theo hệ số tính trên mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng do Chính phủ đề nghị chưa thực hiện chưa điều chỉnh mức tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng vào năm 2021 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khoá XIV.
Chế độ phụ cấp thâm niên của giáo viên năm 2021
Căn cứ, tại Điều 2, Điều 3 Nghị định 54/2011/NĐ-CP và được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH quy định về thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên, mức hưởng phụ cấp thâm niên của giáo viên như sau:
- Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên của giáo viên được xác định bằng tổng các thời gian sau:
-
Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập;
-
Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập);
- Mức hưởng phụ cấp thâm niên của giáo viên được tính như sau: Nhà giáo đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập có thời gian giảng dạy, giáo dục được tính hưởng phụ cấp thâm niên đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
Ví dụ: Chị Nguyễn Thị An đã giảng dạy, giáo dục ở trường mầm non công lập được 8 năm và nhận lương loại A2 với hệ số lương 6.10. Như vậy, Chị An có thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên là 08 năm), mức phụ cấp thâm niên tương ứng với thời gian 08 năm là 8%.
Vậy mức tiền phụ cấp thâm niên = 6.1 x 1.490.000 x 8% = 727.120 đồng.
>>> Xem thêm tại bài viết: Lương giáo viên các cấp ảnh hưởng thế nào do đại dịch Covid-19?
Ty Na