Sau khi thăng hạng, lương và phụ cấp của giáo viên có đương nhiên tăng hay không? Đây là câu hỏi gần đây Thư Ký Luật nhận được khá nhiều từ Quý Khách hàng, Thành viên. Thư Ký Luật xin giải đáp cụ thể vấn đề này tại bài viết dưới đây.
Ảnh minh họa
BẢNG LƯƠNG CỦA GIÁO VIÊN CÁC CẤP TỪ 01/7/2020 (CHÍNH THỨC)
Theo quy định hiện nay tại Luật Viên chức 2010 thì viên chức làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó. Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật thì viên chức được đăng ký thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Theo quy định tại Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT, một trong những điều kiện để giáo viên đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp là phải có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự xét theo quy định tại Thông tư liên tịch 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, Thông tư liên tịch 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, Thông tư liên tịch 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư liên tịch 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV. Đồng thời, việc cử giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp cũng phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, nhu cầu của các cơ sở giáo dục công lập và tình hình thực tế tại địa phương chứ không phải áp dụng đối với tất cả giáo viên.
Như vậy, có thể thấy, không phải giáo viên nào cũng sẽ được dự thi/xét thăng hạng mà chỉ khi cơ sở giáo dục có nhu cầu và giáo viên đáp ứng được đầy đủ các điều kiện của hạng đăng ký dự xét thì mới được tham gia.
Vấn đề đặt ra là, có phải mọi giáo viên sau khi thăng hạng đều đương nhiên được hưởng lương cao hơn? Thư Ký Luật xin trả lời là không.
Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 15 Thông tư 12/2012/TT-BNV, Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV, việc xếp lương sau khi nâng ngạch công chức, viên chức được quy định như sau:
- Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.
- Trường hợp đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới và thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.
- Trường hợp có tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ lớn hơn hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới, thì xếp vào hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm nhiên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới (kể cả hệ số chênh lệch bảo lưu) và thời gian xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.
Hệ số chênh lệch bảo lưu này được hưởng trong suốt thời gian cán bộ, công chức, viên chức xếp lương ở ngạch mới. Sau đó, nếu cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được nâng ngạch hoặc chuyển ngạch khác, thì được cộng hệ số chênh lệch bảo lưu này vào hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm nhiên vượt khung, nếu có) đang hưởng để xếp lương vào ngạch được bổ nhiệm khi nâng ngạch hoặc chuyển ngạch và thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu kể từ ngày hưởng lương ở ngạch mới.
Như vậy, sau khi thăng hạng, tùy vào hệ số lương và phụ cấp hiện hưởng mà mức lương và phụ cấp mới của giáo viên sẽ thay đổi, có thể bằng hoặc lớn hơn mức lương hiện hưởng chứ không phải sẽ đương nhiên cao hơn mức lương hiện hưởng.
Nguyễn Trinh