Tôi nghe nói, theo dự kiến, lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên các cấp đến năm 2030 mới yêu cầu 100% giáo viên tiểu học phải tốt nghiệp Đại học trở lên. Vậy trong khoảng thời gian từ giờ đến năm 2030 có tiếp tục tuyển dụng giáo viên tiểu học có trình độ trung cấp, cao đẳng như hiện nay không? Đây là câu hỏi được anh Nguyễn Ngọc Sơn cũng như nhiều Quý Khách hàng và Thành viên khác gửi đến Thư Ký Luật nhờ tư vấn ngày 30/01/2020.
- Đề xuất một số chính sách đặc thù để tuyển dụng giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật
- Chính sách quan trọng áp dụng với mọi giáo viên từ 12/02/2020
- Sắp tới, sẽ “khai tử” trình độ trung cấp các ngành đào tạo giáo viên
- Lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng tăng mạnh từ 01/7/2020
Ảnh minh họa
Về vấn đề này của anh Sơn cũng như các Quý Khách hàng và Thành viên khác, ban biên tập THƯ KÝ LUẬT xin giải đáp như sau:
Như Thư Lý Luật đã thông tin đến Quý Khách hàng và Thành viên, kể từ ngày Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành thì trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên các cấp sẽ được nâng lên so với quy định hiện hành tại Luật Giáo dục 2005. Cụ thể:
- Đối với giáo viên mầm non: Phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên. (Quy định hiện hành chỉ yêu cầu có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm).
- Đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông: Phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. (Quy định hiện hành yêu cầu bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên tiểu học; bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở).
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Có thể thấy, với quy định này, trong thời gian tới, toàn bộ hệ thống giáo viên phổ thông sẽ có chuẩn tối thiểu là trình độ đại học; giáo viên mầm non sẽ có chuẩn tối thiểu là trình độ cao đẳng.
Cụ thể hóa quy định này tại Luật Giáo dục 2019, Dự thảo Nghị định quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đã được xây dựng và đang trong thời gian lấy ý kiến đóng góp. Theo đó, lộ trình nâng chuẩn này được thực hiện thành 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Từ 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025: Bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp;
- Giai đoạn 2: Từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030: Thực hiện nâng chuẩn đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên của các cơ sở giáo dục đạt trình độ chuẩn theo quy định.
Theo tinh thần của Dự thảo này, đến hết ngày 31/12/2030 mới yêu cầu 100% số giáo viên tiểu học phải có trình độ Đại học trở lên. Tuy nhiên, từ ngày Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành, tức từ ngày 01/7/2020, Bộ sẽ chỉ đạo dừng tuyển sinh ngành sư phạm đối với giáo viên dạy tiểu học trình độ trung cấp và cao đẳng, sẽ không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học có trình độ trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm, đồng thời tổ chức đào tạo bổ sung theo hướng liên thông để khi sinh viên ra trường có trình độ đại học sư phạm tiểu học - Đây là giải đáp của Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục khi được hỏi về về phương án nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên các cấp.
Như vậy, có thể thấy, kể từ ngày 01/7/2020, sẽ không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học có trình độ trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm còn đối với những giáo viên hiện đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nhưng chưa đủ chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật giáo dục 2019 thì sẽ thực hiện việc nâng chuẩn theo lộ trình đưa ra tại Dự thảo, đảm bảo đến hết năm 2030 sẽ có 100% số giáo viên của các cơ sở giáo dục đạt trình độ chuẩn theo quy định.
Nguyễn Trinh