Hiện nay, có một số trường hợp các giáo viên đối xử không công bằng giữa các em học sinh với những lý do như em A có đi học thêm, em B không đi học thêm hay em A ngoan ngoãn, nghe lời, em B học kém… gây tổn thương tâm lý cho các em. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì đây là một trong những hành vi mà giáo viên không được làm.
Ảnh minh họa
Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 12/4/2019, đối với người học, giáo viên phải:
- Sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh;
- Mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương;
- Tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học;
- Tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện;
- Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi;
- Không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại;
- Không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
Trước đó, Điều 6 Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về đạo đức nhà giáo cũng đã quy định một trong những hành vi giáo viên tuyệt đối không được làm là “Trù dập, chèn ép và có thái độ thiên vị, phân biệt đối xử, thành kiến người học; không tiếp tay, bao che cho những hành vi tiêu cực trong giảng dạy, học tập, rèn luyện của người học và đồng nghiệp.”
Có thể thấy, việc đối xử công bằng giữa các học sinh, tôn trọng sự khác biệt của các em là một trong những việc giáo viên phải làm tại cơ sở giáo dục. Dù trong hoàn cảnh nào, các em có tham gia lớp học thêm của mình hay không, các em có ngoan ngoãn, học giỏi hay không thì các thầy cô cũng cần phải đối xử một cách công bằng, không thiên vị hoặc có thành kiến giữa các em khiến các em có những cảm xúc và hành vi tiêu cực, không có lợi cho sự phát triên của các em như buồn, cảm thấy bị xúc phạm, tức giận, bức xúc, tự ti, khiến trẻ xa lánh tập thể và mất lòng tin vào người khác.
Ngoài ra, các thầy cô cũng cần lắng nghe các em ý kiến của các em, động viên và khích lệ những em học kém để các em có tinh thần học tập không nên vì các em học kém mà thờ ờ, né tránh. Việc khen hay phê bình các em trước lớp cũng phải phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh tránh làm tổn thương tâm lý cho các em.
Nguyễn Trinh