Mới đây, Thư Ký Luật đã có thông tin giải đáp vấn đề của Quý Khách hàng, Thành viên về việc giáo viên tiểu học, trung học chưa có bằng cử nhân thì có phải học lên Đại học để đủ chuẩn và có nhiều Quý Khách hàng, Thành viên đang vướng mắc rằng mình tốt nghiệp hệ Cao đẳng nhưng trên bằng có ghi cử nhân thì có phải học tiếp hay không?
- Luật Giáo dục 2019: Học sinh tiểu học công lập không phải đóng học phí
- Sắp tới, hàng trăm ngàn giáo viên sẽ phải đi học để đủ chuẩn đào tạo theo quy định mới
- Giáo viên chưa có bằng Đại học có phải đi học để đủ chuẩn trước 01/7/2020?
Giáo viên có bằng "cử nhân" CĐ vẫn phải học nâng chuẩn
Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT xin giải đáp như sau: Những giáo viên tiểu học hay trung học tốt nghiệp hệ cao đẳng nhưng trên bằng có ghi tốt nghiệp “cử nhân” thì vẫn phải học lên để đủ chuẩn Đại học theo quy định mới tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019.
Cụ thể, Điều 72 Luật giáo dục 2019 quy định như sau:
1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:
a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;
b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;
…
Chính xác nội dung quy định này yêu cầu từ 01/7/2020, giáo viên tiểu học và trung học phải có trình độ đào tạo Đại học trở lên và cụm từ “cử nhân” trong trường hợp này là chỉ những người tốt nghiệp Đại học, không bao gồm những người tốt nghiệp cao đẳng mà trên bằng có ghi cử nhân.
Sở dĩ hiện nay có nhiều thầy cô hoang mang không biết mình có phải học để nâng chuẩn theo quy định mới hay không là vì đang còn có sự nhầm lẫn trong cách hiểu các quy định pháp luật.
Cụ thể, theo quy định hiện hành tại Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, cử nhân là văn bằng được cấp cho những những người tốt nghiệp trình độ đại học của của giáo dục đại học. Tuy nhiên, cụm từ "cử nhân" này cũng được ghi trên bằng cao đẳng đối với người tốt nghiệp một số ngành, nghề đào tạo nhất định. Cụ thể, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định người tốt nghiệp trình độ CĐ được cấp bằng tốt nghiệp CĐ và công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành. Cụ thể hóa quy định này của Luật, Thông tư 10/2017/TT-BLĐTBXH đã quy định bằng tốt nghiệp cao đẳng thêm từ “danh hiệu cử nhân thực hành” dành cho những người học các ngành nghề khoa học tự nhiên, xã hội, nhân văn, “danh hiệu kỹ sư thực hành” dành cho những người học các ngành nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ.
“Danh hiệu này vừa để khẳng định, vừa để tôn vinh người tốt nghiệp trình độ CĐ có năng lực thực hành nghề nghiệp ở trình độ kỹ sư hoặc cử nhân. Danh hiệu này không hề làm khó cho người học sau tốt nghiệp mà chỉ làm tăng thêm giá trị cho người học ở trình độ CĐ” - Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay.
Như vậy, có thể thấy, cụm từ “cử nhân” hiện nay sẽ dùng để chỉ 2 đối tượng sau:
1. Cử nhân Đại học đối với những người tốt nghiệp đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học.
2. Cử nhân thực hành đối với người tốt nghiệp cao đẳng theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Và bằng “cử nhân” được quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019 là muốn chỉ danh hiệu đối với những người thuộc đối tượng thứ nhất, tức tốt nghiệp đại học ngành đào tạo giáo viên. Do đó, những người tốt nghiệp Cao đẳng nhưng trên trên bằng có ghi “cử nhân thực hành” vẫn phải học lên Đại học để đủ chuẩn theo quy định này.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cũng cho biết, việc nâng chuẩn trình độ đào tạo lên đại học là cần thiết và phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực và trên thế giới, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW đã nêu: "Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm" nhằm khắc phục thực trạng về đội ngũ giáo viên hiện nay "bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục".
Việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học sẽ được thực hiện theo lộ trình thống nhất. Cụ thể, Dự thảo Lần 3 Nghị định quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành trong năm 2020.
Theo đó, tính từ ngày 01/7/2020 đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định, giáo viên mầm non còn đủ 7 năm công tác, giáo viên tiểu học có trình độ trung cấp còn đủ 8 năm công tác, giáo viên tiểu học có trình độ cao đẳng và giáo viên trung học cơ sở còn đủ 7 năm công tác phải thực hiện nâng trình độ chuẩn. Những giáo viên chưa đủ chuẩn nhưng còn số năm công tác ít hơn thời gian nêu trên thì sẽ không phải thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn này. Bộ sẽ chỉ đạo các trường đại học sư phạm phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch đào tạo nâng chuẩn trình độ gắn với bồi dưỡng thay sách giáo khoa mới. Hình thức đào tạo cuốn chiếu ở các khối lớp với các hình thức linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, thiết thực, không chạy theo thành tích hay học chủ yếu học để lấy bằng.
Cũng theo Dự thảo Lần 3 này, lộ trình chung thực hiện nâng chuẩn là từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030, trong đó, từ 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025 sẽ có 60% giáo viên mầm non, giáo viên trung học cơ sở và 50% giáo viên tiểu học đạt chuẩn trình độ mới và từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030 thì sẽ đảm bảo 100% cả giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học và giáo viên trung học cơ sở đạt chuẩn trình độ mới theo Luật Giáo dục 2019.
Nguyễn Trinh