Giáo viên cần biết 9 thay đổi quan trọng về lương và tuyển dụng từ năm 2020

Từ tháng 7/2020 sẽ có 9 thay đổi quan trọng về lương và tuyển dụng tác động mạnh mẽ tới quyền và lợi ích của giáo viên các cấp. Vậy cụ thể đó là những thay đổi nào? Ban biên tập Thư Ký Luật xin giải đáp chi tiết tại bài viết dưới đây.

9 thay đổi quan trọng về lương và tuyển dụng từ năm 2020

Giáo viên cần biết 9 thay đổi quan trọng về lương và tuyển dụng từ năm 2020 - Ảnh minh họa

Theo quy định tại Luật Giáo dục 2019Luật sửa đổi Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức 2019, Nghị quyết 27/NQ-TWNghị quyết 86/2019/QH14 thì kể từ ngày 01/7/2020 trở đi sẽ có 9 thay đổi quan trọng về lương và tuyển dụng mà giáo viên cần biết, cụ thể như sau:

Không tuyển dụng giáo viên tiểu học có trình độ trung cấp, cao đẳng từ 01/7/2020

Theo Luật Giáo dục 2019, kể từ ngày 01/7/2020, trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên các cấp được nâng lên so với quy định tại Luật Giáo dục 2005, cụ thể:

- Đối với giáo viên mầm non: Phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên. (Trước đây chỉ yêu cầu có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm).

- Đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông: Phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. (Trước đây yêu cầu bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên tiểu học; bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở).

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cứ nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Theo Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, từ ngày Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành, Bộ sẽ chỉ đạo dừng tuyển sinh ngành sư phạm đối với giáo viên dạy tiểu học trình độ trung cấp và cao đẳng, sẽ không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học có trình độ trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm, đồng thời tổ chức đào tạo bổ sung theo hướng liên thông để khi sinh viên ra trường có trình độ đại học sư phạm tiểu học.

Như vậy, có thể thấy, kể từ ngày 01/7/2020, sẽ không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học có trình độ trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm còn đối với những giáo viên hiện đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nhưng chưa đủ chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật giáo dục 2019 thì sẽ thực hiện việc nâng chuẩn theo lộ trình đưa ra tại Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, đảm bảo đến hết năm 2030 sẽ có 100% số giáo viên của các cơ sở giáo dục đạt trình độ chuẩn theo quy định.

Chỉ còn 03 trường hợp giáo viên được hưởng chế độ “viên chức suốt đời”

Cụ thể, theo Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức sửa đổi 2019, viên chức được tuyển dụng từ ngày 01/7/2020 phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn, trừ 03 trường hợp sau đây viên chức vẫn được ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn:

- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;

- Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 Luật Viên chức 2010;

- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Như vậy có nghĩa là từ ngày 01/7/2020 sẽ không còn trường hợp viên chức thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn được mặc nhiên chuyển sang hợp đồng làm việc không xác định thời hạn nữa, mà thay vào đó viên chức sẽ phải ký hợp đồng làm việc có thời hạn và tất cả các trường hợp viên chức chưa thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn trước ngày 01/7/2020 phải ký kết hợp đồng xác định thời hạn nếu không đáp ứng điều kiện, chỉ trừ 03 trường hợp nêu trên.

Giáo viên không còn được hưởng phụ cấp thâm niên

Cụ thể, theo tinh thần của Nghị quyết 27/NQ-TW, một trong những nội dung cải cách chính sách tiền lương là bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung và với giáo viên nói riêng chỉ trừ 03 đối tượng sau: quân đội, công an và cơ yếu.

Cụ thể hóa quy định này tại Nghị quyết 27, Điều 76 Luật Giáo dụ‌c 2019 cũng đã bỏ phụ cấp thâm niên nghề ra khỏi các chế độ dành cho giáo viên.

Theo đó, từ ngày 01/7/2020, giáo viên sẽ được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.

Theo Nghị định 113/2015/NĐ-CP thì phụ cấp đặc thù được áp dụng đối với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghề nhân, người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

Như vậy, những giáo viên trước đó đang được hưởng phụ cấp thâm niên kể từ 01/7/2020 sẽ không còn được hưởng khoản phụ cấp này nữa.

Sẽ không tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng như dự kiến

Theo nội dung tại Nghị quyết 86/2019/QH14 thì từ ngày 01/7/2020, dự kiến mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức sẽ là 1,6 triệu đồng/tháng (tăng 110.000 đồng/tháng so với hiện nay).

Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19, chiều ngày 19/6/2020, tại phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp 9, quyết định chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020. Theo đó, mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2020 áp dụng đối với viên chức vẫn duy trì ở mức 1.490.000 đồng/tháng. Và với việc duy trì mức lương cơ sở này thì tiền lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp của viên chức từ ngày 01/7/2020 cũng sẽ được tính như hiện nay.

Thêm trường hợp viên chức giáo viên bị cắt hợp đồng làm việc từ ngày 01/7/2020

Luật cán bộ công chức và Luật viên chức sửa đổi 2019 đã bổ sung thêm một trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức, là: “Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự”.

Hiện nay, quy định này cũng đã được đề cập tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP về việc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với người tập sự, tuy nhiên chưa được chính thức quy định trong Luật.

Như vậy, từ 01/7/2020 sẽ có 6 trường hợp viên chức bị cắt hợp đồng làm việc.

Phải bồi hoàn học phí nếu làm việc không đúng ngành nếu sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp

Theo Luật Giáo dục 2019, những học sinh, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học nếu sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.

Giáo viên được trả lương theo đúng năng lực, không phụ thuộc vào thâm niên

Cụ thể, Điều 76 Luật Giáo dục 2019 quy định về tiền lương của giáo viên như sau:

Điều 76. Tiền lương

Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, theo quy định này, từ năm 2021, giáo viên sẽ được trả lương theo vị trí việc làm, theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp. Theo đó, với cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương của giáo viên là như nhau, với điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề.

Có thể hiểu, từ ngày 01/7/2020, tiền lương giáo viên được trả theo đúng năng lực thực chất, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc mỗi người, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như hiện tại. Do đó, người dù mới được tuyển dụng/bổ nhiệm nhưng nếu đáp ứng được yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó sẽ được trả lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc.

Kéo dài thời hạn hợp đồng làm việc đối với viên chức

Cụ thể, theo nội dung tại Luật cán bộ công chức và luật viên chức sửa đổi 2019, hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng. (Theo quy định trước đây tại Luật Viên chức 2010 thì thời hạn của hợp đồng làm việc của viên chức chỉ từ đủ 12 tháng đến 36 tháng).

Như vậy, Luật cán bộ công chức và luật viên chức sửa đổi 2019 đã nâng thời hạn hợp đồng làm việc của viên chức tối đa lên đến 5 năm (60 tháng).

Sau năm 2020, lương giáo viên sẽ tăng mạnh theo lộ trình

Cụ thể, theo tinh thần tại Nghị quyết 27/NQ-TW, Nhà nước sẽ trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp dịch vụ công, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động. Trong đó, sẽ xây dựng 01 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo với lộ trình tăng lương theo từng giai đoạn như sau:

- Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước.

- Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

- Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Như vậy, có thể thấy từ năm 2021, lương cán bộ, công chức, viên chức nói chung và lương giáo viên nói riêng sẽ tăng theo lộ trình cụ thể, đến năm 2030 thì tiền lương thấp nhất của giáo viên sẽ bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Nguyễn Trinh 

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
12509 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;