Giáo viên các cấp bán hàng online có bị xử lý kỷ luật hay không?

Đây là câu hỏi gần đây Thư Ký Luật nhận được khá nhiều từ Quý Khách hàng và Thành viên. Liệu giáo viên các cấp bán hàng online có vi phạm quy định pháp luật và có bị kỷ luật hay không? Thư Ký Luật xin giải đáp vấn đề này tại bài viết dưới đây.

giao vien ban hang online, xu ly ky luat

Ảnh minh họa

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 19 Luật Viên chức 2010 thì ngoài những điều cấm quy định tại Luật này, viên chức không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng 2018, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.

Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 20 Luật phòng chống tham nhũng 2018, và Khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014, viên chức giữ chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị, tổ chức không được thành lập, tham gia quản lý doanh tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Như vậy, có thể thấy, các quy định pháp luật hiện hành không cấm viên chức nói chung và giáo viên nói riêng bán hàng online.  Tuy nhiên, theo Mục 3.c Chỉ thị 26/CT-TTg năm 2016 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp thì viên chức không được sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng.

“Thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ, công chức, viên chức; không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; thực hiện đúng quy định trong văn hóa hội họp; không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường; nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; không được vào casino đánh bạc dưới mọi hình thức.”

Những trường hợp vi phạm như bán hàng online ngay trong giờ làm việc phải bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật – Đây là quy định được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại Chỉ thị 26. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng một bộ phận viên chức lợi dụng thời gian làm việc để làm những việc mang tính chất cá nhân, không liên quan đến công việc chuyên môn như bán hàng online gây thất thoát cho Nhà nước khi trả lương trong khi đối tượng hưởng lương lại không làm việc hoặc làm việc không hiệu quả.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 6 Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT, một trong những việc giáo viên không được làm là sử dụng điện thoại di động và làm việc riêng trong các cuộc họp, trong khi lên lớp, học tập, coi thi, chấm thi.

"Điều 6. Giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo

...

7. Không sử dụng điện thoại di động và làm việc riêng trong các cuộc họp, trong khi lên lớp, học tập, coi thi, chấm thi."

Theo đó, trong thời gian lên lớp, học tập hay coi thi, chấm thi, giáo viên tuyệt đối không được sử dụng điện thoại di dụng cũng như không được làm việc riêng như lên mạng xã hội, bán hàng online...

Từ những quy định trên có thể thấy, việc viên chức nói chung và giáo viên nói riêng bán hàng online sẽ không được chấp nhận nếu sử dụng thời gian làm việc để bán hàng, gây ảnh hưởng đến việc giảng dạy, học tập và sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định tùy theo mức độ vi phạm, còn những trường hợp giáo viên bán hàng thêm giờ ngoài giờ lên lớp, giảng dạy thì hoàn toàn không vi phạm quy định và sẽ không bị xử lý kỷ luật.

Nguyễn Trinh

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
5441 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;